Đắk Lắk: Hiệu quả hoạt động của các trung tâm dạy nghề chưa cao

Khảo sát mới nhất cho thấy, 9/12 trung tâm dạy nghề cấp huyện của tỉnh Đắk Lắk đều trong tình trạng “đìu hiu”, hoạt động cầm chừng.


Thực hiện Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, mỗi huyện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được hỗ trợ thành lập một trung tâm dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề, với tổng kinh phí từ 9 đến 12,5 tỷ đồng/trung tâm, nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu dạy và học nghề cho người lao động. Đến nay, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây dựng mới 12 trung tâm dạy nghề ở các huyện.


Thế nhưng, qua khảo sát mới đây, đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, 9/12 trung tâm dạy nghề cấp huyện đều rơi vào cảnh “đìu hiu” , hoạt động cầm chừng, thiếu giáo viên, thiếu biên chế và thiếu cả... học viên. Thậm chí, có trung tâm xây dựng rất “hoành tráng” nhưng bỏ không, đóng cửa im ỉm quanh năm. Đơn cử như Trung tâm dạy nghề huyện Krông Búk cả năm chỉ mở được 6 lớp chăn nuôi, thú y, sửa chữa máy nổ, lớp cắt may...

 

Thế nhưng, điều đáng nói là cả 6 lớp dạy nghề này đều mở tại... các thôn, buôn, còn Trung tâm được đầu tư nhiều tỷ đồng, to đẹp, khang trang, thì quanh năm lại trong tình trạng "cửa đóng then cài". Còn Trung tâm dạy nghề huyện Krông Năng được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng cũng vắng vẻ, đìu hiu...


Lãnh đạo một số huyện cũng cho rằng, trong thời điểm hiện nay chưa cần thiết xây dựng Trung tâm dạy nghề tại huyện mà nên linh hoạt chỉ mở một trung tâm dạy nghề cho cả cụm huyện. Bí thư Huyện ủy huyện Lắk Nguyễn Văn Trung cũng cho rằng, hiện nay nếu đầu tư xây dựng một trung tâm dạy nghề tại huyện Lắk thì thật lãng phí vì khó tổ chức được các lớp dạy nghề thường xuyên tại trung tâm. Hiện nay, huyện chủ yếu phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các thôn, buôn thì mới có hiệu quả. Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh khóa VIII Bùi Thị Kim Nga đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh không nhất thiết huyện nào cũng thành lập một trung tâm dạy nghề mà phải phụ thuộc vào nhu cầu, tình hình thực tế từng địa phương.


Thiết nghĩ, tỉnh Đắk Lắk cần sớm khắc phục những bất cập trên mà chuyển nguồn vốn xây dựng này sang mở nhiều lớp đào tạo nghề tại các thôn buôn cũng như tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ dạy nghề cho các thầy, cô giáo, nghệ nhân nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.


Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN