Sinh ra và lớn lên ở Suối Giàng, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), sau đó theo bố mẹ di cư sang phía Cổng Cò, thuộc bản vùng cao Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ), nên Sùng A Tủa (dân tộc Mông) hiểu được nỗi khổ của đồng bào Mông vùng cao, cũng như những khó khăn trong cuộc sống do các hủ tục lạc hậu như sinh đẻ nhiều con, không biết chữ...
Không cam chịu hoàn cảnh khốn khổ đó, Sùng A Tủa đã vận động những người trong bản sinh đẻ có kế hoạch, chăm chỉ làm ăn để con cái có cái ăn, cái mặc... Sùng A Tủa được cả bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản Mỹ Á.
“Làm trưởng bản mà để dân nghèo thì không tốt đâu” - Sùng A Tủa tự nhủ và hứa với mình là sẽ làm cho bản ngày một thêm khởi sắc, nên đã cùng cán bộ khuyến nông xã, cán bộ dân số, kiểm lâm viên, lực lượng công an từ huyện đến xã đi gõ cửa từng nhà, kiên trì tuyên truyền, vận động mọi nhà cách làm nương rẫy, đẻ ít con, đẻ thưa nhằm bớt khó khăn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật từ các chương trình hỗ trợ vùng cao của Nhà nước để giúp đồng bào trong bản biết cách làm ăn mới. Nhận thấy nguyên nhân chính dẫn đến sự nghèo khổ ở Mỹ Á là do bà con còn nhiều tập tục lạc hậu, nhất là việc ma chay, cưới xin, A Tủa cũng đã vận động người thân cùng "ba bỏ" (bỏ giết trâu, bò; bỏ thủ tục lễ hiếu, hỷ, ma chay dài ngày; bỏ các tệ nạn xã hội...).
Trước tình hình ở một số bản người Mông xuất hiện một số kẻ xấu lợi dụng trình độ nhận thức của bà con dân tộc Mông còn hạn chế để xuyên tạc, tung tin thất thiệt kích động bà con chống đối chính quyền, A Tủa đã chủ động bàn với già làng và các đoàn thể trong bản tuyên truyền cho bà con không nghe theo luận điệu kẻ xấu. Nếu người nào trong bản phát hiện có kẻ xấu đến tuyên truyền phải thông báo với công an, trưởng bản. Trong những năm vừa qua, ở bản Mỹ Á đã không có gia đình nào có con em mắc vào các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, mại dâm, bà con không trồng cây thuốc phiện, không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy...
Tại lễ biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc huyện Tân Sơn vừa qua, Sùng A Tủa vui mừng chia sẻ: Bản Mỹ Á hiện có 91 hộ với 584 nhân khẩu sống rải rác trên các sườn đồi. Những năm qua, được sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của người dân ở Mỹ Á đã từng bước được cải thiện. Bản Mỹ Á đã được đầu tư 70 triệu đồng sửa chữa 4,5 km đường từ quốc lộ 32A vào bản. Ngoài ra, Mỹ Á còn được đầu tư nhiều mô hình như: Mô hình hỗ trợ phân bón và kỹ thuật bón phân NPK do Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai, mô hình trồng ngô thuộc Chương trình 135, mô hình trồng chè do Viện Nghiên cứu chè Việt Nam đầu tư cây giống và kỹ thuật... Nhờ đó, đời sống người dân trong bản đã có bước khởi sắc đáng kể; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; trẻ em được đến trường đúng độ tuổi... Người dân ở Mỹ Á từ chỗ chủ yếu là phá rừng làm nương, đến nay bà con đã biết làm lúa nước năng suất cao như: lúa Nhị ưu 838, Việt lai 20 năng suất đạt 2 tạ/sào, đảm bảo cung cấp đủ nguồn lương thực cho người dân; tham gia bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng rừng kinh tế...
Già làng Sùng A Vang chia sẻ: Trước đây muốn xuống trung tâm xã phải chuẩn bị từ chiều hôm trước, nửa đêm gà gáy là đốt đuốc đeo dao, gùi mo cơm nắm lên đường. Đấy là ngày khô ráo, còn khi mưa nguồn suối lũ kéo về, thì phải vượt hơn chục cây số đường rừng. Quen đi rừng, lội suối, bàn chân người Mông Mỹ Á cứ to bẹt ra như lưỡi cuốc tượng, nứt nẻ như củ sắn nương luộc quá lửa. Bây giờ, đường vào bản đang được thi công xây dựng với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Việc xuống núi về xã với người Mỹ Á là chuyện thường ngày. Một chiếc xe máy là đủ sức cõng hai người cùng bao tải hàng vượt được dốc cao. Sở hữu con “ngựa sắt” để bất cứ lúc nào muốn cũng có thể xuống chợ dưới trung tâm xã không còn là điều quá khó khăn. “Được như ngày hôm nay, người dân bản Mỹ Á không quên công sức to lớn như biển cả của Trưởng bản Sùng A Tủa, nó đã đem sự nhiệt tình của nó đến với người dân bản chúng tôi trong cuộc chiến chống đói nghèo ở Mỹ Á” - già làng Sùng A Vang bộc bạch.
Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn