Sơn La là tỉnh miền núi vùng cao với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó tỷ lệ người cao tuổi tính đến năm 2019 chiếm hơn 8,1% dân số. Hàng năm, có hơn 90% người cao tuổi đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, hơn 42% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.
Theo ông Lê Hữu Đê - Phó trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Sơn La, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, thực hiện. Người cao tuổi được thụ hưởng đầy đủ chính sách chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh và điều trị bệnh tại các trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các trạm y tế, bệnh viện thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức khám, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, giúp người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe tại chỗ, giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho gia đình.
Thực tế, tại Sơn La, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, việc khám chữa bệnh cho người cao tuổi hiện vẫn được thực hiện lồng ghép với khám chữa bệnh và điều trị chung tại các cơ sở y tế, chưa có khoa Lão khoa; trang thiết bị y tế cơ bản phục vụ khám chữa, điều trị, phục hồi chức năng cho người cao tuổi còn hạn chế; nguồn lực có trình độ chuyên môn, được đào tạo về lão khoa còn thiếu…
Ông Lù Văn Vượng - Trưởng trạm Y tế xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, người cao tuổi tại địa phương chủ yếu mắc các bệnh mãn tính. Việc phải thường xuyên đến trạm y tế tái khám và lấy thuốc trong khi có người tuổi cao sức yếu, nhà xa mà giao thông đi lại khó khăn nên bỏ điều trị. Điều này cũng gây khó khăn trong việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trước hết là tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Cùng với đó, các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng và gia đình được xây dựng và phổ biến; lồng ghép vào hoạt động của các câu lạc sinh hoạt, phụng dưỡng người cao tuổi tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La Sa Văn Khuyên cho biết, trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục củng cố hệ thống y tế cung cấp dịch vụ cũng như phát triển nguồn lực chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của tỉnh bố trí ít nhất mỗi khoa tối thiểu 10 giường bệnh, tương đương với 4 phòng bệnh để điều trị cho người cao tuổi, chuẩn bị nhân lực là bác sĩ và điều dưỡng, đầy đủ trang thiết bị cho các phòng điều trị này.
Để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025” với mục tiêu 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% bệnh viện từ tuyến huyện trở lên ở các khoa có giường bệnh điều trị cho người cao tuổi.