Chủ động chống rét cho gia súc

Lào Cai chủ động bảo vệ đàn gia súc


Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 125.000 con trâu, hơn 17.000 con bò, 426.000 con lợn và hơn 3 triệu con gia cầm. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng rét đậm, rét hại đã diễn ra kéo dài liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất, chăn nuôi.


Đồng bào dân tộc ở Lạng Sơn đã tích cực phòng chống rét cho gia súc.  Ảnh: Hoàng Nam


Nguyên nhân chính gây thiệt hại đàn gia súc là do các đợt rét đậm, rét hại liên tục diễn ra trong thời gian quá dài, dẫn đến sức khỏe của gia súc bị giảm sút rất dễ nhiễm bệnh và chết do đói, rét. Mùa đông, hầu hết các loại cỏ tự nhiên đều sinh trưởng chậm hoặc tàn lụi, trong khi đó thức ăn dự trữ không thể đủ để cung cấp cho toàn bộ đàn gia súc, mặt khác nhiều hộ chăn nuôi không có khả năng bổ sung thức ăn tinh cho gia súc. Nông dân chủ yếu chăn nuôi theo phương thức chăn thả, dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên, khi mùa đông đến nguồn thức ăn này không thể đảm bảo cho chăn nuôi. Một số hộ chăn nuôi còn chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, chuồng trại không kiên cố, che chắn qua loa, đặc biệt tại một số huyện Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát, tập quán thả rông gia súc trên rừng còn rất phổ biến.


Trước thực trạng trên, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và UBND các huyện, thành phố đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông. Đến nay, về cơ bản ý thức của người chăn nuôi đã được nâng lên, chuồng trại chăn nuôi được kiên cố hóa, nông dân đã biết dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Hiện các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục rà soát chuồng trại, vận động người dân thu gom rơm phơi khô, tận dụng nguồn phụ phẩm trồng trọt chế biến làm thức ăn dự trữ cho gia súc, sửa chữa và làm mới chuồng nuôi gia súc.


Với những kinh nghiệm hay, thời gian qua, một số địa phương đã hạn chế tối đa thiệt hại do đàn gia súc chết đói, rét. Huyện Bắc Hà đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông, qua đó giảm thiệt hại sản xuất chăn nuôi do đói, rét. Các mô hình trồng cỏ voi, ngô dày, dự trữ thức ăn cho gia súc, che chắn chuồng trại chăn nuôi được nông dân thực hiện, nhờ đó vụ đông xuân 2011 - 2012, Bắc Hà không có gia súc chết do đói, rét.


Là xã khó khăn của huyện nghèo Si Ma Cai, gia súc là tài sản lớn, khó có thể thay thế đối với người dân Mản Thẩn. Những năm gần đây, ý thức chăm sóc, phòng chống đói, rét cho đàn gia súc của nông dân trong xã đã nâng lên nhờ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt hương ước không thả rông gia súc. Năm 2012 với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã tiến hành làm mới 35 chuồng nuôi nhốt gia súc tại các thôn. Cho đến thời điểm này, đã có 17 chuồng nuôi nhốt gia súc hoàn thành đưa vào sử dụng, các công trình khác đang tiếp tục được hoàn thiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng này.


Lạng Sơn tăng cường nhiều biện pháp


Để chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, từ đầu tháng 12/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác phòng chống rét gia súc tại một số huyện trọng điểm như Văn Quan, Bình Gia, Lộc Bình, Cao Lộc... Đồng thời, khuyến cáo các UBND xã, phường, thị trấn vận động người chăn nuôi chấp hành việc di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực đồi núi, đưa trâu, bò thả rông về chỗ nuôi nhốt.
Ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Ngày 4/12, Sở đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã trên toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay bà con đã chủ động chuẩn bị các phương thức phòng chống rét cho gia súc, gia cầm. Đến thời điểm này chưa thống kê thấy có trâu, bò chết rét trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đôn đốc người dân tiếp tục các phương án chống rét cho gia súc bởi thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp".


Bên cạnh các hình thức tuyên truyền như họp thôn, bản, tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cán bộ nông nghiệp cũng xuống từng hộ dân khuyến cáo người chăn nuôi dự trữ thức ăn thô, xanh cho gia súc từ trước mùa rét; phổ biến các phương pháp chế biến thức ăn cho vụ đông; gia cố, che chắn chuồng trại; hướng dẫn người dân cho vật nuôi ăn đủ khẩu phần và cân đối về dinh dưỡng; vận động người dân không thả rông gia súc... Chị Nông Thị Làng, xã Hiệp Hạ, huyện Lộc Bình, cho biết: "Mùa rét năm ngoái gia đình tôi bị chết rét 2 con trâu do thả hoang trên đồi. Rút kinh nghiệm nên năm nay gia đình tôi đã chủ động quây kín chuồng trại bằng các mảnh phên, cót, đồng thời lót rơm cho trâu nằm và đốt lửa sưởi ấm cho trâu khi trời rét đậm".


Anh Đoàn Mạnh Hải, cán bộ phòng Chăn nuôi thuộc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết: Để chống rét cho gia súc, cần chế biến cỏ, thân ngô, cây lạc... làm thức ăn vụ đông cho gia súc (ước tính mỗi đầu gia súc cần có 1 - 1,2 tấn rơm khô hoặc từ 1 - 1,5 tấn thức ăn ủ chua…). Ngoài ra, cần đảm bảo trâu, bò được uống đủ nước, tốt nhất là những ngày rét cho trâu, bò uống nước ấm có hòa muối với liều lượng khoảng 5 g/100 kg thể trọng. Các biện pháp giữ ấm cho trâu, bò như dùng bạt che chắn chuồng trại, thường xuyên giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ; dùng bao tải gai, vải bạt để may áo giữ ấm cho trâu, bò cũng là biện pháp chống rét tốt trong vụ đông.


Ngọc Luyến- Hoàng Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN