Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đang tập trung phương tiện, vật tư, nguồn vốn đầu tư chăm sóc, phấn đấu niên vụ 2012 - 2013 đạt từ 1 triệu tấn cà phê nhân trở lên. Các địa phương trong vùng cũng đặc biệt lưu ý tới vấn đề sâu bệnh thường xuất hiện trên cây, quả cà phê trong mùa mưa.
Do mùa mưa năm đến sớm, mưa lại đều, nên các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã giảm được tiền đầu tư tưới nước, chuyển sang mua vật tư, phân bón, thuê mướn nhân công đầu tư thâm canh cho cây cà phê.
Ngoài việc sử dụng các loại phân bón chuyên dùng như phân bón NPK 16-8-16-13S-TE, hoặc 25-10-20-TE... để bón gốc từ 700 đến 800 kg/ha, các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê còn đưa các loại phân bón lá, nuôi dưỡng trái phun sương ướt đều trên chùm trái, tán cây theo đúng định kỳ, nhằm vừa chống rụng vừa nuôi dưỡng trái nhân lớn nhanh.
Nhiều nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk còn tận dụng các loại phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như vỏ trấu cà phê, vỏ đậu đỗ các loại, cùi ngô... sản xuất được hàng ngàn tấn phân hữu cơ vi sinh bón thêm cho các vườn cà phê kinh doanh để đạt năng suất cao.
Nhờ đầu tư chăm sóc tốt, nhất là điều kiện thời tiết khá thuận lợi nên qua khảo sát, phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn Tây Nguyên có khả năng được mùa. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 526.168 ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch trên 520.000 ha. Tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất, với trên 200.193 ha, với sản lượng thu hoạch ước đạt trên 487.748 tấn cà phê nhân.
Quang Huy