Ngày mùng ba Tết Quý Tỵ (tức ngày 12/2), chúng tôi có dịp
về thăm các buôn làng Tây Nguyên, nơi các chàng trai, cô gái da nâu, mắt
sáng đang rộn ràng trong lời ca tiếng hát, điệu múa ay ray, diễn tấu
cồng chiêng... vui đón mùa Xuân mới.
Bên
ché rượu cần, anh Y Hiền Niê, ở buôn A Drơng Điết, xã vùng sâu Cư Pơng
Anh hùng (huyện Krông Búk), người nhiều năm liền được bầu chọn là nông
dân sản xuất kinh doanh giỏi, hai lần vinh dự ra Thủ đô Hà Nội báo cáo
điển hình tại Hội nghị toàn quốc nông dân điển hình tiên tiến, hồ hởi
cho biết: Toàn buôn có 127 hộ đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, đã được Nhà
nước cấp đất sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, nên nhà
nhà đều có của ăn của để. Hiện nay, mỗi gia đình ở đây đều có từ 3 đến 5
ha cà phê, cao su, điều, mỗi niên vụ thu hoạch thấp nhất cũng được 100
triệu đồng, có người làm tốt, kinh doanh đa ngành nghề còn thu nhập hàng
tỷ đồng. Trong buôn không còn hộ nghèo. Cái đói nghèo, hình ảnh nhà sàn
sập xệ, dột nát của các hộ gia đình cách đây hơn 10 năm đã đi vào dĩ
vãng, chỉ còn trong kỷ niệm của các già làng mà thôi. Hôm nay, buôn A
Drơng Điết nhà nào cũng nhà cao cửa rộng, biệt thự đua nhau mọc lên, nhà
nào cũng có điện lưới quốc gia, đường thôn buôn thông thoáng sạch
đẹp... không khác một phố thị. Riêng gia đình anh Y Hiền Niê, trong năm
qua chỉ với 4 ha cà phê nhưng nhờ thực hiện tốt các biện pháp thâm canh,
nên đã thu nhập trên 500 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Anh Y
Hiền Niê cũng sôi nổi kể tiếp: Đồng bào dân tộc ở đây cũng ăn Tết như
người Kinh thôi, vì mình là anh em mà! Đây cũng là dịp để các gia
đình cúng tạ thần linh, tổ tiên, cầu mong sức khỏe cho gia đình, người
thân, cộng đồng. Tết này, tại nhà văn hóa cộng đồng buôn ngày nào cũng
diễn ra các trò chơi dân gian như đẩy gậy, nhảy bao bố, thi hát dân ca
dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm... thu hút hàng ngàn nam
thanh, nữ tú các buôn làng lân cận đến tham dự đua tài.
Buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’Gar) có 365 hộ
gia đình với 2.058 nhân khẩu của 3 dân tộc Êđê, Gia rai, Kinh cùng chung
sống. Người dân trong buôn chủ yếu sản xuất cà phê, tiêu và cây lúa
nước. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản
lượng cây trồng tăng cao. Hiện nay, trong buôn ai cũng có của ăn của
để, 40% số hộ thuộc diện giàu, không có hộ nghèo đói, những ngôi nhà xây
mới khang trang ngày càng nhiều, nhà nhà đều có xe máy, máy cày, máy
bơm nước, giàng ống tưới cho cà phê, tiêu, hoa màu. Nhiều nhà còn sắm cả
ô tô để đi lại phục vụ sản xuất, 100% số hộ có điện lưới quốc gia, có
nước sạch sinh hoạt, 90% tuyến đường trong buôn được trải cấp phối. Bản
sắc văn hóa dân tộc luôn được bà con có ý thức giữ gìn, phát huy. Già
làng Y Nuốt cho biết, Tết năm nay, nhà nào cũng có bánh chưng, bánh tét,
cũng thịt lợn, thịt bò để ăn ngon, mặc đẹp, vui chơi, để ra giêng tập
trung vào sản xuất làm giàu cho gia đình, cho buôn làng. Còn ở Nông
trường cao su Cuôr Đăng (Công ty Cao su Đắk Lắk) trên cơ sở quy hoạch
vùng sản xuất cao su, cân đối lực lượng lao động, Nông trường tiếp nhận
lao động ở 3 buôn của đồng bào dân tộc Êđê (buôn Jong, buôn Karoa và
buôn Tá) vào làm công nhân nông trường; tổ chức thành 3 đội sản xuất,
mỗi đội quản lý từ 120 đến 370 ha cao su và giao khoán mỗi công nhân
chăm sóc, khai thác mủ từ 2 đến 2,3 ha cao su. Nông trường cũng cấp thêm
cho mỗi hộ gia đình từ 0,3 đến 1 ha để trồng cà phê phát triển kinh tế
hộ gia đình. Nhờ vậy, từ cuộc sống đói nghèo kinh niên, đến nay điều
kiện làm việc, sinh hoạt của bà con dân tộc ngày càng được nâng cao.
Hiện nay, 3 buôn này có trên 40% số hộ gia đình công nhân kinh tế khá
giả, còn lại là hộ trung bình, không có hộ nghèo. Trong những ngày Tết
này, hộ gia đình nào cũng ăn Tết đủ đầy, bia, bánh mứt, thịt heo, gà rôm
rả. Các đội sản xuất còn tổ chức thi đấu bóng chuyền, giao lưu văn hóa
văn nghệ làm cho không khí Tết càng thêm vui tươi...
Đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói
riêng đang tưng bừng vui Xuân đón Tết, để rồi lại cùng nhau hăng say lao
động, xây dựng buôn làng thêm giàu đẹp.
Quang Huy