Báo động vi phạm về môi trường

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta đã trở nên báo động, đặc biệt là ở các khu công nghiệp và các làng nghề trên cả nước.

 

Có sự bảo kê cho vi phạm?


Chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật Xây dựng (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta đã đến mức báo động. Nhiều vụ việc vi phạm bị phát hiện trong thời gian qua đã gây ra hậu quả nặng nề đối với môi trường ở một số địa phương, ví dụ như: các vụ xả thải của Vedan, TungKuang Hải Dương, Nicotex Thanh Hóa, Hào Dương...

 

Bên cạnh đó, việc xử lý hành chính nương nhẹ, không nghiêm, không áp dụng chế tài nặng hơn như: tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động khiến các vụ vi phạm càng tăng và trở nên phức tạp hơn.Ví dụ như vụ Nicotex (Thanh Hóa), từ năm 2008 đến nay có 10 đoàn đến làm việc, chỉ phạt tiền nhẹ, nhắc nhở chấn chỉnh. Khi vụ việc bị đẩy lên đến đỉnh điểm trong thời gian gần đây mới phạt hơn 400 triệu đồng.


Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP Hồ Chí Minh), các vụ phát hiện vi phạm môi trường đều do cảnh sát môi trường và người dân phát hiện. Còn công tác thanh tra chưa hiệu quả. Vì việc thanh tra làm theo định kỳ nên các cơ sở có biện pháp đối phó. Trong khi đó, “qua giám sát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy họ phản ánh rất nhiều về việc có quá nhiều đoàn thanh tra môi trường (Tổng cục Môi trường, Sở TNMT…) nhưng hiệu quả không cao. Do vậy, luật phải khắc phục và thay đổi cơ chế thanh tra và nêu rõ: thanh tra nhiều nhất hai lần/năm nhưng ít nhất một lần đột xuất thì mới chống được việc đối phó”, đại biểu Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang đề nghị.


Theo một số đại biểu, nguyên nhân chủ quan là một bộ phận cơ quan chức năng thoái hóa, biến chất trong việc quản lý Nhà nước, tạo kẽ hở để doanh nghiệp hoạt động, xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường. Nhiều vụ việc ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng một số địa phương không xử lý.


Bên cạnh đó, mặc dù, chúng ta đã có Luật Hình sự đủ để xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường nhưng cho đến nay chưa có trường hợp gây ô nhiễm nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các vụ gây ô nhiễm ngày càng có tổ chức chặt chẽ với thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu, đối phó. Đại biểu Nguyễn Văn Phụng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các vụ Vedan, Hào Dương bị phát hiện là những vụ việc điển hình cho thấy, hầu như những hành vi vi phạm này chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa có vụ nào truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi luật đã quy định truy cứu trách nhiệm hình sự và dự luật sửa đổi cũng quy định như vậy. Do đó, nếu chúng ta không quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn thì việc tái diễn vẫn có thể xảy ra.


Do vậy, một số đại biểu đề nghị Chính phủ thay đổi cách đánh giá khi có sự cố xảy ra thay vì quy lỗi cho thể chế, cho luật. Quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cả về hành chính và hình sự, không chỉ đối với người trực tiếp vi phạm mà cả những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý Nhà nước.


Cần cơ chế riêng cho làng nghề


Làng nghề đã tồn tại lâu đời ở nhiều vùng quê Việt Nam. Thực tế, cũng có không ít làng nghề đang hàng ngày hàng giờ hủy hoại môi trường. Nhưng các làng nghề có đặc thù khác nhiều so với các doanh nghiệp. Do đó, các đại biểu cho rằng, nếu áp dụng các quy định về môi trường cho các làng nghề như đối với các doanh nghiệp là không phù hợp.


Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trong thời gian qua gây bức xúc ở nhiều địa phương. Nhiều làng còn ngăn nước không cho nước làng khác chảy sang, gây mâu thuẫn xã hội.


Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, ô nhiễm môi trường làng nghề là vấn đề rất nhức nhối hiện nay. Đại biểu dẫn chứng một lần đi khảo sát tại làng làm bún, sau khi trở về, mấy ngày sau không dám ăn bún vì ám ảnh mùi trong không khí. Người làng làm nghề chịu được nhưng các làng xung quanh thì không chịu được.


Do đó, các đại biểu cho rằng, cần nhanh chóng đưa các làng nghề gây ô nhiễm môi trường ra các khu sản xuất riêng. Việc này khó thực hiện nên cần có quy định xây dựng chi tiết, rõ ràng hơn, bao gồm cấp đứng ra làm và nguồn kinh phí. Đại biểu Phạm Xuân Thường cho biết, thực tế nhiều địa phương đã dự kiến chuyển làng nghề ra khu tập trung sản xuất nhưng không thực hiện được. Vì địa phương chỉ bố trí khu đất cho họ sản xuất, trong khi các hộ dân không có kinh phí thực hiện việc di chuyển.


Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng cho biết, qua giám sát một số địa phương cho thấy, nhiều nơi xảy ra ô nhiễm lớn nhưng không có cán bộ phụ trách môi trường cho làng nghề. Do vậy, cần có nhân lực chuyên trách cho vấn đề này.


Phi Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN