Ai Cập vẫn rối như canh hẹ

Trong một bước đi chưa từng có tiền lệ nhằm tháo ngòi cho cuộc khủng hoảng chính trị đang lan rộng tại Ai Cập, Phó Tổng thống mới được bổ nhiệm Omar Suleiman cuối tuần qua đã thương lượng với các phe phái đối lập, trong đó có tổ chức "Anh em Hồi giáo"- phong trào đối lập lớn nhất và có tổ chức nhất ở Ai Cập, đảng Tự do Wafd, đảng cánh tả Tagammu, đại diện của những người biểu tình chống chính phủ, một số nhà chính trị độc lập, nhân vật đối lập như ông Mohammed ElBaradei, các doanh nhân...


Chưa tính tới kết quả, riêng việc các bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán đã được giới quan sát quốc tế nhìn nhận như một động thái tích cực. Tuy nhiên, các nhà phân tích không quá kỳ vọng vào diễn biến này và cho rằng chưa thể có ngay lời giải cho cuộc khủng hoảng tại Ai Cập hiện nay.

Bước đầu lạc quan

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa chính quyền Ai Cập với các phe phái đối lập trong bối cảnh làn sóng biểu tình mang tính bạo động trên phạm vi toàn quốc ở đất nước kim tự tháp đã bước sang tuần thứ hai liên tiếp, làm ít nhất 300 người bị thiệt mạng.


Tại cuộc gặp này, các bên thảo luận về tiến trình cải cách dân chủ, hướng tới cuộc bầu cử bầu Tổng thống mới thay ông Mubarak đã cầm quyền ở Ai Cập 30 năm qua.

Quân đội Ai Cập đã phải huy động cả xe tăng vào thủ đô Cairô để ngăn chặn những người biểu tình.

Điểm nổi bật tại cuộc thương lượng là nhiều đảng phái chính trị và người biểu tình đã chấp nhận ý kiến về việc Tổng thống Mubarak sẽ duy trì quyền lực cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9/2011 và không tiếp tục tham gia tranh cử "nhằm đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng".

Ngoài ra, các bên nhất trí cho rằng những đòi hỏi hợp pháp của Phong trào Thanh niên 25/1 và các nhóm chính trị khác sẽ được giải quyết một cách nghiêm túc và ngay lập tức. Các bên tham gia đàm phán cũng nhất trí sửa đổi các điều khoản 76 và 77 trong hiến pháp và đề xuất một số sửa đổi cần thiết khác cho việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Các bên cũng nhất trí thành lập một ủy ban tiếp nhận những khiếu nại về tù nhân chính trị, dỡ bỏ những hạn chế đối với giới truyền thông, đồng thời dỡ bỏ lệnh về tình trạng khẩn cấp, khi tình hình an ninh được cải thiện.

Còn nhiều rối rắm

Tuy nhiên, bất chấp những kết quả đã được công bố sau cuộc thương lượng, các nhóm thanh niên đứng đằng sau cuộc nổi dậy của phe đối lập ngày 6/2 đã thành lập một liên minh, khẳng định sẽ không chấm dứt hoạt động chiếm giữ quảng trường Tahrir và tiếp tục gia tăng sức ép cho đến khi bảy yêu sách của họ được đáp ứng. Phe đối lập thông báo sẽ tổ chức các cuộc biểu tình lớn trên đường phố.


Trong khi đó, tổ chức "Anh em Hồi giáo" đối lập chính khẳng định việc họ tham gia cuộc đàm phán ngày 6/2 là nhằm thăm dò mức độ nghiêm túc của chính phủ đối với cam kết cải cách dân chủ, nhưng cảnh báo những nhượng bộ mà chính phủ đưa ra trong cuộc đàm phán này là chưa đủ.

Cuộc đối thoại được coi là bước đi tích cực để chính quyền Ai Cập thực hiện các cuộc cải cách theo yêu cầu của người dân và chấm dứt các cuộc biểu tình trên diện rộng.


Theo giới quan sát, động thái này cho thấy nỗ lực của chính quyền Mubarak nhằm nhanh chóng tháo ngòi cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ. Tuy nhiên, một bước đi như vậy, dù đúng hướng, song vẫn là chưa đủ, nếu xét tình hình thực tế hiện nay trong xã hội Ai Cập và căn nguyên của làn sóng biểu tình.

Ông Stephen Cook, nhà nghiên cứu về Trung Đông của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Oasinhtơn (Mỹ), cho rằng các cuộc biểu tình ở Ai Cập là kết quả của nhiều năm dồn nén sự bức xúc và bất mãn của người dân nước này. Trong 5-6 năm qua, tại Ai Cập thường xuyên diễn ra các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình lần này bùng nổ từ ngày kỷ niệm của lực lượng cảnh sát (25/1), cộng với tình hình tại Tuynidi (tổng thống đương nhiệm bị lật đổ sau các cuộc biểu tình), khiến người dân Ai Cập có thêm động lực.

Giống như người dân Tuynidi, người Ai Cập phàn nàn về tình trạng thiếu việc làm và giá cả lương thực và các mặt hàng cơ bản tăng. Giới trẻ (chiếm số đông) ở Ai Cập ngày càng tỏ ra bất mãn và lớn tiếng đòi thay đổi chế độ. Trong số khoảng 80 triệu dân của nước này, 2/3 ở độ tuổi dưới 30 và chiếm 90% số người thất nghiệp. Khoảng 40% sống với mức thu nhập chưa tới 2 USD/ngày và 1/3 dân số mù chữ.

Kinh tế khó khăn cùng những căn bệnh trầm kha của nó là những tác nhân thổi bùng ngọn lửa bất bình với chế độ của người dân Ai Cập. Người dân xứ kim tự tháp muốn một xã hội cởi mở hơn.


Vậy nên, ông Stephen Cook cho rằng việc chính khách Mohammed El Baradei, một nhân vật chống chế độ mạnh mẽ, trở về Ai Cập cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Sự trở về này có lẽ đã "đổ thêm dầu" vào các "ngọn lửa" biểu tình chống chính phủ.

Những câu hỏi hiện được đặt ra là liệu có xảy ra một cuộc cách mạng ở Ai Cập như cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 hay không? Hoặc truyền thống thế tục và quân đội đầy quyền lực của nước này sẽ mở đường cho một sự chuyển giao hỗn độn sang một chế độ khác như đã diễn ra tại Inđônêxia hồi năm 1998?

Theo giới phân tích, chưa thể có kết quả cuối cùng của cuộc khủng hoảng tại Ai Cập trong vài tuần tới. Trong cuộc cách mạng ở Iran, mãi tới 4 tháng sau vụ nổ súng vào những người biểu tình khiến dân chúng nổi giận, nhà vua Mohamad Reza Pahlevi mới chịu rời khỏi nước này. Tại Ai Cập, không có động thái thực tế nào dẫn tới thay đổi được bảo đảm cho tới khi một số thay đổi về luật pháp và hiến pháp được ban hành.


Cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo dự kiến tiến hành vào tháng 9 tới, song cần có một tiến trình thận trọng trong việc thực hiện các cải cách. Rõ ràng, con đường tiến tới ổn định xã hội sẽ rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tại Ai Cập còn quá nhiều bất ổn và các phe phái chính trị không đặt quyền lợi của người dân lên trên lợi ích của mình để thực hiện một cuộc cải cách chính trị minh bạch và chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trách nhiệm.

Phương Hồ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN