Xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và mở tuyến, thông tuyến với bệnh hiểm nghèo, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ ở vùng sâu, vùng xa cũng như khắc phục những bất cập, khó khăn để người dân được hưởng các quyền lợi bảo hiểm y tế đầy đủ hơn... là các vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến thảo luận.
Thảo luận ở tổ, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và các công cụ để thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cũng như lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng về dữ liệu ngày càng phổ biến, tạo ra nhiều xu hướng và dữ liệu được đưa vào sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.
“Hiện nay, dữ liệu cũng đang tạo ra dữ liệu”, đại biểu Lê Quân thảo luận và nhấn mạnh việc ban hành Luật Dữ liệu vô cùng quan trọng, vừa đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho công dân, vừa bảo đảm việc đầu tư và quản trị các xu hướng ứng dụng về công nghệ. Theo nghiên cứu, khảo sát của đại biểu, có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các đạo luật có liên quan “bởi khi có hành lang pháp lý đầy đủ sẽ giúp cho các doanh nghiệp phát triển, khởi nghiệp”.
“Gần đây, chúng ta đang nói đến các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng xuyên biên giới. Hàng ngày, hàng giờ các sản phẩm từ các ứng dụng đó được gửi đến mình và thông tin về các dữ liệu đó đều được nắm bắt. Rồi trong các cuộc bầu cử quốc tế, họ nắm bắt rất nhiều tâm lý dữ liệu liên quan đến xu hướng hành vi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc ban hành Luật Dữ liệu là rất quan trọng. Nếu chỉ có nghị định thì sẽ không phủ được hết; chỉ có luật mới bao phủ được hết”, đại biểu Lê Quân nhấn mạnh.
Bày tỏ hoàn toàn đồng ý với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Lê Quân cũng cho rằng, lần này dự Luật đã “mở tuyến với bệnh hiểm nghèo”, song nên tiếp tục cân nhắc tới đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ ở vùng sâu, vùng xa. Vì đây là những trường hợp dù được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều về bảo hiểm y tế song vẫn gặp nhiều khó khăn. “Một bệnh nhân ở tuyến xã lên tuyến huyện thì mức chi khác rồi. Nhiều bà con khi lên Hà Nội khám thì gần như phải đi về... Việc thông tuyến, mở tuyến nên mở rộng với đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ ở vùng sâu, vùng xa chứ không chỉ nên dừng ở việc mở đối với bệnh hiểm nghèo”, đại biểu Lê Quân nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thì “một lần sửa là một lần khó”. Đây là chính sách mới, có rất nhiều thành công nhưng đòi hỏi, mong đợi của cử tri nhiều hơn thế. “Nếu không sửa thì thôi, nếu sửa thì phải có trách nhiệm sửa tận gốc, tận rễ vấn đề”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Phong Lan nêu rõ, có những cơ chế đang làm phức tạp hóa vấn đề. Theo đó, 1,5% mức đóng bảo hiểm y tế là người lao động chi, 3% do người sử dụng lao động đóng. Đây là điều “rất mạo hiểm” và thực tế đã xảy ra tình trạng người lao động bền bỉ đóng bảo hiểm nhưng doanh nghiệp không đóng, do đó người lao động không được quyền lợi. “Tại sao không làm chuyện đơn giản là tính tất cả vào một cục, gom từ đầu, yêu cầu người lao động đóng”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây, bệnh viện chia làm 4 tuyến. Luật mới quy định 3 cấp. Đang có hướng xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. “Đó là chủ trương rất tốt, rất đúng. Trước đây, nếu đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở Hà Nội thì chỉ được khám ở Hà Nội, giả sử mắc bệnh ở Thanh Hóa thì xem như trái tuyến. Điều này rất bất hợp lý, không bảo đảm quyền lợi cho người bệnh. Một số đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến trong bảo hiểm y tế, nhưng ý kiến cá nhân tôi và rất nhiều giám đốc bệnh viện, chỉ nên bỏ giấy chuyển tuyến trong trường hợp khám cấp ban đầu, cấp cơ bản. Nhưng từ cấp ban đầu lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến”, đại biểu Phong Lan thảo luận.
Đại biểu phân tích, giấy chuyển tuyến rất cần thiết trong ngành Y tế. Nếu bỏ giấy chuyển tuyến thì bệnh nhân không khám ở trạm y tế và bệnh viện huyện nữa mà lên thẳng bệnh viện tuyến chuyên sâu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… Như vậy, chỉ một đến hai năm sẽ triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở.
“Hai hậu quả trước mắt là triệt tiêu y tế cơ sở và vỡ trận ở y tế chuyên sâu... Bỏ giấy chuyển tuyến thì nên bỏ cấp ban đầu, cấp cơ bản. Lên cấp chuyên sâu thì bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến. Giấy chuyển tuyến này có vai trò rất quan trọng, là tóm tắt bệnh án, rất có giá trị cho chẩn đoán ở cấp chuyên sâu”, đại biểu thẳng thắn nêu ý kiến.