Ngày 14/9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ Đại hội X, ra mắt các thành viên Hội đồng nhiệm kỳ Đại hội XI.
Các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương đã tham dự hội nghị.
Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhiệm kỳ Đại hội XI có 36 thành viên, do đồng chí Nguyễn Hồng Vinh làm Chủ tịch.
Báo cáo của Hội đồng nêu rõ: nhiệm kỳ qua, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, Hội đồng đã triển khai những công việc quan trọng, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật đất nước, kiến nghị những giải pháp thiết thực, làm tốt vai trò tham tư vấn, tham mưu cho Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật. Hội đồng đã tổ chức 3 hội thảo khoa học toàn quốc về những vấn đề hệ trọng của sự phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; hoàn thành đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước “Văn học, nghệ thuật Việt Nam trong quá trình thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”; triển khai tích cực nhiệm vụ đấu tranh những quan điểm sai trái...
Phương hướng chung của Hội đồng nhiệm kỳ Đại hội XI là quán triệt và thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ Ban Bí thư giao là cơ quan tư vấn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đại hội XI và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong đời sống dân tộc, đất nước và trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 80 năm qua, văn học, nghệ thuật đã có những đóng góp xuất sắc, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Trong bối cảnh mới của thời đại, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm tiếp tục xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã và đang tạo nên những thời cơ lớn và cả những thách thức gay gắt, những đòi hỏi mới đối với văn học, nghệ thuật nước nhà. Đại hội XI của Đảng đã xác định mục tiêu “tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại, phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới của đất nước; cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác”. Đây là đòi hỏi cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đối với sự phát triển của một nền văn học, nghệ thuật, công tác lý luận, phê bình giữ vai trò rất quan trọng, vừa đồng hành, đồng cảm, vừa góp phần điều chỉnh, định hướng cho phát triển văn học, nghệ thuật - không chỉ đối với người sáng tạo mà còn với đông đảo công chúng yêu mến văn học, nghệ thuật.
Hương Thủy