Nghị quyết 11/NQ – CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội qua nửa năm thực hiện đã mang lại những kết quả khả quan. Trong đó, các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai kịp thời, đời sống người nghèo, người thu nhập thấp được quan tâm cải thiện.
Đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội
Đầu năm 2011 đến nay, tình hình giá cả thế giới nhiều biến động, giá cả sinh hoạt tăng cao, đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), xóa đói giảm nghèo thời kỳ lạm phát đã được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xây dựng, triển khai. Những giải pháp cụ thể, cấp bách, ngắn hạn đã được ban hành. Bên cạnh đó là những giải pháp tổng thể, dài hạn nhằm phát triển hệ thống ASXH toàn dân, toàn diện, hỗ trợ mọi người dân, bảo đảm phúc lợi cho đối tượng xã hội, người lao động và toàn bộ cộng đồng.
Bên cạnh những chương trình, chính sách ASXH đã có, trước tình hình đời sống người lao động chật vật do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng, các chính sách mới đã được triển khai kịp thời để trợ giúp người dân.
Trên cơ sở theo dõi tình hình tiền lương, thu nhập của người lao động, Bộ LĐTB&XH đã nghiên cứu đề xuất giải pháp để cải thiện tiền lương, thu nhập để người lao động bớt khó khăn trong điều kiện lạm phát, giá cả sinh hoạt tăng cao; giảm nguy cơ tranh chấp lao động. Gần đây nhất là việc đề xuất với Chính phủ và Chính phủ đã có quyết định về điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp sớm 1 quý so với thông lệ và sẽ thực hiện từ 1/10/2011 tới. Với mức điều chỉnh này, lương tối thiểu cho người lao động tại các doanh nghiệp sẽ tăng từ 300.000 đồng lên 650.000 đồng/tháng so với hiện tại. Đồng thời, theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, việc quy định hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động với mức tối thiểu 15.000 đồng/bữa/người (tăng 3.000 - 5.000 đồng/bữa/người so với hiện nay) cũng đã được Bộ đề xuất với Chính phủ và sẽ sớm được thực hiện.
Hội nông dân tỉnh Ninh Bình mở lớp đào tạo nghề thêu ren cho các hộ bị thu hồi đất tại xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN |
Các chế độ, chính sách liên quan đến những đối tượng đặc thù cũng được điều chỉnh để đảm bảo nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ ngày 1/5/2011, mức trợ cấp đối với người có công đã được nâng lên. Chính sách trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn theo quy định tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành đã hỗ trợ cho khoảng 15 triệu người với các mức từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/người.
Các chương trình trợ giúp xã hội được tăng cường; mô hình và hình thức cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội được đổi mới. Sau nhiều năm chuẩn bị, mới đây, Đề án phát triển nghề công tác xã hội đã được Chính phủ phê duyệt. Việc đưa công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp.
Người nghèo - “mũi nhọn” được quan tâm
Theo kết quả điều tra hộ nghèo và áp dụng chuẩn nghèo mới do Bộ LĐTB&XH và Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện, cả nước hiện có trên 3 triệu hộ nghèo và trên 1,6 triệu hộ cận nghèo. Còn bốn tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo trên 40% là Hà Giang (41,8%), Lào Cai (43%), Điện Biên (50,01%) và Lai Châu (46,78%).
Thực hiện các giải pháp đảm bảo ASXH, Bộ LĐTB&XH cho biết các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Những vùng khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao được tập trung đầu tư.
Đặc biệt, thực hiện đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020” theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại những tín hiệu tích cực. Đến nay đã có khoảng 10.000 lao động các huyện nghèo đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Khoảng 8.000 lao động trong số đó đã được học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và gần 5.500 người đã xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường như Malaixia. Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Hàn Quốc, Nhật Bản, Arập Xêút, Đài Loan (Trung Quốc)… Điều đáng nói, chính sách này đã đến được với bà con là người nghèo, người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 95% số lao động được xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các chính sách cấp bách để hỗ trợ nâng cao đời sống người dân nghèo, trong điều kiện kinh tế lạm phát cũng được đặt lên hàng đầu. Đó là thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 30/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ...
Cùng với việc triển khai các hoạt động nhằm tổ chức thực hiện tốt các chính sách ASXH đã có và các chính sách mới điều chỉnh, ngành lao động đã theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, đời sống người lao động, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhân dân 20 tỉnh đã được hỗ trợ 55.426 tấn gạo cho cứu trợ kịp thời, không để người dân nào bị đói do thiếu lương thực.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thanh Hòa, thời gian tới, Bộ tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm, giảm nghèo bằng nhiều giải pháp đồng bộ, nhân rộng các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo…
Mạnh Minh