Sự thật hiển nhiên là câu trả lời đanh thép nhất

Nhiều tháng qua, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế không ngừng tập trung "giải mã" thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 khi nước ta đã trải qua 62 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng (tính đến ngày 17/6), hầu hết trong số 335 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được công bố khỏi bệnh và không có ca tử vong.

Những cụm từ như “phép màu Việt Nam”, “sự kỳ diệu Việt Nam” hay “hình mẫu Việt Nam” thường được truyền thông quốc tế nhắc tới khi mô tả về thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 8/6. Ảnh: BV

Vậy mà, đâu đó vẫn còn có những ý kiến lạc lõng, đi ngược lại nhận thức chung của cộng đồng quốc tế về những nỗ lực và thành quả không thể phủ nhận của Việt Nam. Steven Hanke  - giáo sư ngành kinh tế học của Đại học John Hopkins (Mỹ) - trên trang Twitter cá nhân đã đưa Việt Nam vào danh sách "các nước che giấu dịch bệnh" khi các số liệu thống kê trên trang worldometers.info nhiều ngày liên tục đều ghi Việt Nam không có ca nhiễm mới. Còn cựu phóng viên BBC Bill Hayton (Bin Hây-tơn) thì chỉ trích Việt Nam thực hiện các biện pháp “siết chặt quyền con người” để kiểm soát dịch bệnh.

Thế nhưng, những luận điệu đó chỉ cho thấy những cách nhìn phiến diện và thiếu thiện chí về những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch để bảo vệ và chăm lo sức khỏe cho người dân.

Dòng Twitter của vị giáo sư người Mỹ hay bài viết của cựu phóng viên BBC khi vừa đăng tải đã vấp phải sự chỉ trích của chính các tổ chức quốc tế và những người nước ngoài nắm được thông tin về Việt Nam bởi thực tế đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại với những gì họ nói.

Giới chuyên gia quốc tế đã nhiều lần khẳng định rằng chính việc công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh COVID-19 là một trong những yếu tố giúp Việt Nam chống dịch hiệu quả. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) đều ca ngợi Việt Nam đã minh bạch trong việc xử lý dịch COVID-19. Trước một số ý kiến nghi ngờ về số ca mắc COVID-19 của Việt Nam, ông John MacArthur, Giám đốc Văn phòng CDC tại Đông Nam Á, cho biết đội ngũ CDC tại Hà Nội làm việc rất chặt chẽ với các đối tác tại Bộ Y tế Việt Nam và "không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy con số các ca mắc bệnh của Việt Nam là không chính xác". Ông khẳng định chính sự minh bạch cùng với quyết tâm chính trị nhất quán đã giúp Việt Nam nổi lên như hình mẫu thành công chống dịch của thế giới.

Các chuyên gia Viện Chính sách chiến lược Australia cũng thừa nhận rằng công tác truyền thông của Chính phủ Việt Nam được thực hiện rất sớm, rõ ràng và hiệu quả. Theo đánh giá của trang mạng Eastasiaforum.org, Việt Nam đã thể hiện sự công khai, minh bạch cao khi thường xuyên thông tin trên truyền hình và cập nhật liên tục cho người dân về tình hình dịch bệnh thông qua tin nhắn. Báo Spiegel (Tấm gương) của Đức cũng nhận định Việt Nam đã thực hiện chính sách thông tin chặt chẽ với việc Bộ Y tế hằng ngày gửi thông tin về dịch bệnh qua tin nhắn SMS cho tất cả thuê bao di động, sử dụng hệ thống loa công cộng để kêu gọi người dân phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe,.... 

Nhà báo David Hutt, chuyên gia về chính trị Đông Nam Á, nhấn mạnh "Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất minh bạch, cởi mở trong việc chia sẻ, cập nhật dữ liệu về tình hình dịch bệnh COVID-19 và quản trị công bằng, hành động trách nhiệm, đặt người dân lên mối quan tâm hàng đầu". Thông qua những biện pháp quyết liệt, mau lẹ nhằm khống chế dịch bệnh cũng như giúp đỡ những lao động gặp khó khăn do đại dịch "để không ai bị bỏ lại phía sau", người dân Việt Nam đã rất tin tưởng vào chính phủ và cảm thấy chính họ đang được bảo vệ. Kết quả cuộc khảo sát toàn cầu, do cơ quan nghiên cứu xã hội Singapore Blackbox Research tiến hành hồi tháng 5 vừa qua, cho thấy có tới 94% người dân Việt Nam được hỏi cho biết việc duy trì thông tin minh bạch về tình hình dịch bệnh đã giúp người dân đặt trọn niềm tin vào chính phủ.

Trong khi đó, Tiến sĩ người Mỹ Mark Ashwill, chuyên gia giáo dục quốc tế làm việc tại Việt Nam 15 năm nay, khi viết trên trang mạng Counter Punch đã chỉ trích cách nhìn của Bill Hayton về các biện pháp mà Việt Nam thực hiện là "sự vu khống của những người không biết gì về Việt Nam của năm 2020".

Nhận định của Tiến sĩ Mark Ashwill xuất phát từ thực tế rằng cựu phóng viên Bill Hayton, vốn không trở lại Việt Nam từ năm 2007, đã cố tình cắt xén "có chủ ý" câu chuyện trên Twitter cá nhân của chuyên gia kinh tế Raymond Mallon kể về trải nghiệm của ông khi bay trở lại Việt Nam vào cuối tháng 3/2020 và được "cảnh sát khu vực hỏi thăm về tình hình sức khỏe sau chuyến bay", để từ đó cựu phóng viên này đưa ra những đánh giá phiến diện và mang định kiến cá nhân về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam. Không hiểu cựu phóng viên Bill Hayton có đọc được những dòng cảm xúc mà ông Raymond Mallon bày tỏ trên chính đoạn Twitter đó rằng "tôi thấy rất vui khi có một công an lịch sự đến nhà thăm hỏi sức khỏe... để tôi có thể chủ động phòng bị". Trong đoạn Twitter này, chuyên gia Raymond Mallon cũng viết rằng: “Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực theo dõi, truy vết và điều trị những trường hợp nhiễm COVID-19” và kết quả là “tỷ lệ nhiễm bệnh thấp và không có trường hợp tử vong ở Việt Nam”.

Biện hộ rằng mình “thiếu thông tin”, sao cựu phóng viên Bill Hayton không chịu tham khảo bài viết trên tạp chí The Diplomat (có trụ sở tại Mỹ), trong đó nêu rõ rằng Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh nhờ một lần nữa dựa vào chiến lược tổng động viên, huy động toàn xã hội, bao gồm lực lượng quân đội, công an, chính quyền các cấp và mọi cá nhân như cuộc chiến mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ 20. Tạp chí hàng đầu The Nation của Mỹ cũng đánh giá Việt Nam là quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất thế giới nhờ khả năng huy động trên quy mô lớn hệ thống y tế, công chức cũng như các lực lượng an ninh, kết hợp với chiến dịch tuyên truyền giáo dục người dân hiệu quả và sáng tạo. Trang mạng Eastasiaforum.org còn khẳng định rằng, tại Việt Nam, "lực lượng quân đội và công an đều giành được tình cảm của người dân khi luôn sát cánh với họ trong cuộc chiến chống dịch bệnh và uy tín của hai lực lượng này đã tăng lên chưa từng có".

Đó là chưa kể tới những kết quả khảo sát ấn tượng do chính các hãng phương Tây thực hiện về mức độ tín nhiệm của người dân Việt Nam đối với công tác chống dịch của chính phủ. Một cuộc khảo sát do trang daliaresearch.com thuộc tổ chức Dalia (trụ sở tại Berlin, Đức) cho thấy Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp của chính phủ ứng phó với dịch COVID-19 cao nhất thế giới. Hay như kết quả cuộc khảo sát toàn cầu mới nhất do công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) công bố ngày 10/6 cũng chứng minh rằng Việt Nam là quốc gia có phản ứng tốt nhất với đại dịch khi đứng đầu về mức độ hài lòng của người dân (95%).

Những sự thật hiển nhiên như vậy là câu trả lời rõ ràng và đanh thép nhất trước những luận điệu xuyên tạc, thiếu thiện chí của cựu phóng viên Bill Hayton hay giáo sư Đại học John Hopkins về những thành công không thể phủ nhận của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19.

Phương Hồ (TTXVN)
Chiều 17/6, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19
Chiều 17/6, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19

Đến 18 giờ ngày 17/6, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua, giữ nguyên tổng số 335 ca mắc, bệnh nhân 91 hồi phục từng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN