Tiến sĩ Trịnh Văn Giáp-Viện trưởng Viện khoa học kĩ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử) cho biết: Trong ngày 30/3, trạm quan trắc tại Hà Nội và Lạng Sơn vẫn phát hiện thấy chất phóng xạ với hàm lượng nhỏ. Đặc biệt, trong mẫu không khí, ngoài chất phóng xạ I-131 còn tìm thấy Cs-137. Tuy nhiên, hàm lượng của Cs-137 thấp hơn 1.000 lần so với giới hạn cho phép.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cho hay, cho đến chiều 30/3, các trạm quan trắc tại đây chưa ghi nhận phóng xạ Cs-137 trong không khí. Còn nồng độ của I-131 thì vẫn như hôm trước, chưa có thay đổi lớn. Tuy nhiên theo ông Điền, nồng độ phóng xạ đo được hiện nay là rất thấp nên không đáng ngại.
TS Giáp nhận định: Hàm lượng phóng xạ tại Việt Nam trong những ngày tới sẽ giảm dần nếu như Nhật Bản khống chế được tình hình tại nhà máy Fukushima 1. Chu kì bán rã của chất phóng xạ I-131 là 8,02 ngày, song thời gian phân rã của Cs-137 lại lên tới 30 năm. Rất may là hàm lượng Cs-137 phát hiện được tại Việt Nam rất thấp nên không đáng ngại. Việc hút khí để đo vẫn đang được Viện Khoa học kĩ thuật hạt nhân tiến hành 24/24 giờ để cập nhật số liệu mới nhất.
Đại diện Cục An toàn bức xạ hạt nhân khẳng định: Căn cứ Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866:20001, các kết quả đo phóng xạ tại Hà Nội, Lạng Sơn, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh đều thấp hơn hàng trăm ngàn lần so với giá trị giới hạn nên không ảnh hưởng gì tới sức khỏe người dân.
Minh Phương