Nhìn 90 con người đó (người cao tuổi nhất đã 99, người tuổi thấp nhất cũng đã trên 60), họ đều đã da mồi, tóc sương, nhưng ai cũng lễ phục hoặc complê gọn gàng, ai cũng hớn hở, hồn nhiên như cách đây 39 năm khi được tập trung để vào Sài Gòn thi hành Hiệp định Pari, ai cũng vui mừng vì được gặp lại nhau vào dịp kỷ niệm ngày 30/4 hàng năm. Họ là những nhà ngoại giao mặc áo lính, bởi họ đa phần là cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân anh hùng, còn khoảng một phần ba là các cán bộ nòng cốt của các Bộ Công an, Ngoại giao, Giáo dục, Thông tấn xã Việt Nam, báo Nhân Dân và Quân đội Nhân dân… Số cán bộ dân sự này “gia nhập” quân đội để làm các nhiệm vụ lễ tân, đối ngoại, bảo vệ, phiên dịch và nhà báo phục vụ việc thi hành Hiệp định Pari về lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Hai phái đoàn quân sự ta tại Ban Liên hợp quân sự 2 bên và 4 bên ngày ấy sống trong Trại Davis thuộc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất 823 ngày đêm, với mỗi ngày là một ngày đấu tranh không mệt mỏi và kiên cường cho việc buộc quân thù phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari. Người ta tính trong hơn 820 ngày hoạt động đó, hai đoàn đã phát đi hơn 960 công hàm, thư phản kháng tới Ủy ban quốc tế và hai phái đoàn phía bên kia để lên án các hoạt động khiêu khích, lấn chiếm lãnh thổ, vi phạm các điều khoản của Hiệp định Pari của đối phương. Đã buộc Mỹ và chư hầu cuốn cờ rút hết quân đúng thời hạn 60 ngày; đã buộc Mỹ - ngụy phải trao trả 31.500 nhân viên quân và dân sự của ta bị chúng bắt giam, trong đó có các đồng chí Trương Tấn Sang,Võ Thị Thắng, Nguyễn Tài… Đã tranh thủ đựơc dư luận quốc tế và lòng người một cách thuận lợi để khi cục diện chiến trường chuyển sang thế trận mới, ta dùng bạo lực cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hai phái đoàn đã biến Trại Davis thành mảnh đất giải phóng kiên cường và duy nhất của cách mạng miền Nam ngay trong trung tâm sào huyệt của địch kể từ ngày 28/1/1973 cho đến trưa ngày 30/4/1975. Đó là mảnh đất thiêng liêng để các chiến sĩ hoạt đông bí mật tại Sài Gòn ngày đêm hướng tới mỗi khi đi thực hiện một nhiệm vụ cách mạng giao cho. Đó là mảnh đất thân thương để những người con chân chính và cách mạng của Sài Gòn và cả miền Nam hướng tới mỗi khi có dịp đi qua. Đó là mảnh đất kiên cường mà mỗi cán bộ, chiến sĩ sống và làm việc hết mình ở đó giữa vòng vây của quân thù luôn luôn ở tư thế hiên ngang, ngẩng cao đầu, ngày đêm chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống xe tăng và bộ binh địch tràn vào nghiền nát họ.
Trong thế bị bao vây, cô lập, các cán bộ, chiến sĩ, quân cũng như dân đều lạc quan, yêu đời, cống hiến tuổi trẻ và sức lực của mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau những giờ làm việc căng thẳng, họ vẫn tăng gia sản xuất trên những mảnh đất trống quanh nhà, vẫn tưới cây hàng ngày bên các ruộng rau xanh tốt, vẫn âm thầm đào hầm và giao thông hào để tổ chức trận địa khi cần, vẫn lặng lẽ đào những giếng nước dự trữ đề phòng địch cắt nước, tối đến vẫn cùng nhau ca hát, diễn kịch, chiếu phim. Lâu lâu lại có đoàn văn công của quân đội ta từ Lộc Ninh hoặc từ Hà Nội bay vào bằng máy bay Mỹ, để biểu diễn cho họ xem các bài ca điệu múa mới trong một vài đêm văn nghệ hiếm hoi… Cuộc sống của họ - những nhà ngoại giao mặc áo lính - cứ diễn ra như thế suốt 823 ngày đêm bất chấp hiểm nguy rình rập, bất chấp cảnh xa vợ, xa con, xa cha mẹ, thỉnh thoảng mới nhận được một lá thư của người thân chuyển qua đường văn thư từ Hà Nội vào.
Tại buổi lễ tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang cho hai phái đoàn, một cán bộ kỳ cựu của đoàn đã nói rằng: “Đây là lần đầu tiên một đơn vị làm công tác ngoại giao - quân sự được tuyên dương Anh hùng. Mặc dù là một đơn vị binh chủng đặc thù, đặc nhiệm, không có tiền thân và kế thừa, không còn môi trường tồn tại cụ thể, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho những người con đi chiến đấu vì miền Nam ruột thịt, quan tâm đến công lao, cống hiến và có quyết định khen thưởng xứng đáng…”.
Những người dự cuộc gặp mặt hôm đó ai cũng cảm thấy vinh dự, tự hào được vinh danh trong đại gia đình hai đoàn đại biểu quân sự tại Trại Davis và được góp phần tích cực làm nên một huyền thoại, độc đáo, sáng tạo về ngoại giao-quân sự Việt Nam. Nói huyền thoại vì trong một thời gian rất ngắn từ thỏa thuận Hiệp định (13/1/1973) đến khi Hiệp định có hiệu lực (28/1/1973) đã thành lập xong hai đoàn đại biểu quân sự với hàng ngàn người, gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân hai miền, các cán bộ ưu tú của các bộ, ngành, tạo thành một lực lượng thống nhất đi vào trận chiến đấu mới với quân thù không phải bằng súng đạn mà bằng bản lĩnh chính trị, trí tuệ, ngôn ngữ ngoại giao và pháp lí, nhân cách, lịch sự, văn minh…
Huyền thoại vì hai đoàn đã tiến hành một cuộc hành quân thần tốc từ Hà Nội và Lộc Ninh vào thẳng Sài Gòn bằng máy bay do Mỹ cung cấp, đổ bộ xuống Tân Sơn Nhất khi vẫn còn 7 vạn quân Mỹ và hơn nửa triệu quân ngụy ở miền Nam… Huyền thoại vì tuần lễ cuối tháng 4/1975 có nhiều đoàn của ngụy quyền Sài Gòn, của lực lượng thứ ba… đã tha thiết xin gặp hai trưởng phái đoàn quân sự ta để thăm dò khả năng “ngừng bắn”, khả năng lập chính phủ liên hiệp ba thành phần… Huyền thoại vì khoảng 9 giờ 30 phút sáng ngày 30/4/1975, lá cờ đỏ sao vàng và lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được treo cao trên két nước của Trại Davis và sau buổi trưa ngày hôm đó, chính các cán bộ chiến sĩ sống ở trại này lại là những người cùng các đoàn quân giải phóng đến với từng căn cứ và cơ sở, khu dân cư thực hiện vai trò quân quản. Cũng từ Trại Davis này, chiếc máy phát tin trên 5 kilowat của phân xã Thông tấn xã Việt Nam chúng tôi trong Ban liên hợp, được mang từ Hà Nội vào cuối tháng 1/1973, đã phát đi nhiều tin, ảnh chiến thắng ở khắp miền Nam ra Hà Nội để cho các báo sử dụng trong những ngày vui đặc biệt này - ngày toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Như Kim