Đặc biệt, gần đây vụ khởi tố Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp như “phát súng” đầu tiên của năm cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc đập tan cái gọi là quyền lực "đen" được tạo ra bởi những đồng tiền bẩn, thói kinh doanh chộp giật, coi thường kỷ cương pháp luật. Mục đích chính của cuộc chiến không khoan nhượng này nhằm lành mạnh hóa thị trường, tạo môi trường kinh doanh thực chất bền vững. Đó chính là nền tảng vững chắc cho năm khởi đầu thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế.
Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, TTXVN thực hiện chùm 3 bài bình luận: Nhốt "quyền lực đen" trong “lồng" thể chế.
Bài 1 – Truy tận nơi “trú ẩn” cuối cùng
Chỉ trong vòng 1 tuần qua, hàng loạt vụ vi phạm pháp luật liên quan bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng khởi tố cho thấy quyết tâm lành mạnh hóa thị trường của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Cụ thể ngày 29/3/2022, Bộ Công an đã có Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Ngay sau đó cơ quan điều tra cũng tiếp tục khởi tố hàng loạt các cá nhân khác liên quan đến vụ việc thao túng thị trường chứng khoán tại FLC.
Chỉ sau đó 1 tuần, ngày 5/4/2022, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xác minh một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan việc phát hành trái phiếu, huy động tiền nhà đầu tư của các công ty thành viên. Ngoài ông Dũng, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người khác có liên quan.
Trước đó, hàng loạt các vụ án đã được Bộ Công an khởi tố điển hình như vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 để thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng xảy ra tại Công ty Việt Á. Điều đáng nói, mở rộng điều tra, đã có nhiều lãnh đạo địa phương và Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã bị khởi tố liên quan đến vụ án này. Những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Y tế. Tiếp nối ngay sau vụ án “thổi giá’ sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á, vụ án “nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) lại một lần nữa khiến người dân cả nước vô cùng bức xúc. Ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "nhận hối lộ" để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Điều đáng nói, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã tổ chức gần 800 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước. Khi các chuyến bay được mở, nhiều người dân phải mua vé rất đắt và thủ tục rườm rà.
Những sai phạm này có thể được ví như tội ác, bởi chúng tấn công vào đúng thời điểm người dân gặp hoạn nạn trong đại dịch và đang không biết bấu víu vào đâu. Nhiều đồng bào vì thế đã “hai lần đau” bởi hành động vô cảm của những nhóm người chỉ biết thu vén lợi ích cá nhân, sẵn sàng chà đạp lên đạo đức và pháp luật để trục lợi cho bản thân mình.
Vụ án tại Cục Lãnh sự cũng như vụ án Việt Á đã tiếp tục cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức cán bộ, đạo đức công vụ ở một số mắt xích của cơ quan công quyền, đồng thời cho thấy biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa” ở một số cán bộ, đảng viên. Ở đó cũng thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tại không ít cơ quan công quyền, với trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu.
Cùng với đó, với việc khởi tố, bắt tạm giam các chủ tịch tập đoàn lớn, từng góp mặt trong top những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Bất cứ ai phạm pháp và gây rối loạn thị trường rồi cũng sẽ bị trừng trị.
Các vụ khởi tố còn thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực trong thời gian qua.
Điển hình là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng rất rõ ràng khi chỉ đạo thực hiện: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn theo sát và chỉ đạo các vụ việc cụ thể. Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt 10/3/2022, Tổng Bí thư đã yêu cầu sớm xét xử các vụ án trọng điểm, như vụ án nâng giá bộ sinh phẩm xét nghiệm tại Công ty Việt Á; vụ nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); điều tra sai phạm về đấu giá đất, chứng khoán...
Cùng với đó, trong 1 năm của nhiệm kỳ Chính phủ mới, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết tâm trong việc xử lý các vấn đề tồn đọng hay nỗ lực vào cuộc để lành mạnh hóa thị trường.
Trong quá trình điều hành, Chính phủ, Thủ tướng luôn bám sát tình hình để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh đột xuất, phức tạp. Ngay từ cuối tháng 12/2021, trước một số trường hợp giá trúng đấu giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường), Thủ tướng đã ban hành Công điện 1767/CĐ-TTg, yêu cầu kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Cũng trong tháng 12/2021, Thủ tướng có Công điện số 8857/CĐ-VPCP yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…
Tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương ngày 5/4/2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ: Một vấn đề có tính quy luật là với các vi phạm liên quan tới phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản, dòng tiền đều tìm đến nơi "trú ẩn" cuối cùng là bất động sản. Các cơ quan liên quan cần lưu ý nội dung này để có giải pháp phù hợp. Chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy rõ, thời gian tới Chính phủ và các bộ, ngành địa phương sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân. Trong năm 2022, Đảng và Nhà nước tiếp tục kiên định và quyết liệt với cuộc chiến chống tham nhũng. Kết quả không chỉ là những con số xử phạt, thu hồi, mà quan trọng hơn là kiên quyết loại bỏ những "con sâu", "mầm bệnh" trong bộ máy quản lý Nhà nước và trong cộng đồng doanh nghiệp, từ đó "thanh lọc máu" cho nền kinh tế và xã hội.
Bài 2: Thanh lọc để lành mạnh hơn