Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu đơn vị xảy ra tham nhũng

Sáng 18/9, trong Chương trình Phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013. Hầu hết các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc đều cho rằng, mặc dù việc phát hiện và xử lý được tăng cường nhưng tình hình tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực gây bức xúc, bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.


Theo báo cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày, trong năm 2013 đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự, 28 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý về hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Trong những tháng đầu năm 2013, ngành Thanh tra phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng; đã thu 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 11 vụ, 34 đối tượng.


Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, báo cáo vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương đã làm tốt và chưa làm tốt công tác PCTN hoặc những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để khen thưởng, động viên kịp thời ở những nơi làm tốt hoặc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức ở những đơn vị làm chưa tốt.


Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, một số biện pháp còn chậm được triển khai hoặc hiệu quả thấp. Ở một số nơi, cán bộ, công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính rườm rà để nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân để vụ lợi. Việc củng cố, tăng cường phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, nhất là tổ chức nhân sự, chế độ trách nhiệm công vụ, chế độ khen thưởng, kỷ luật.


Có những vụ đủ căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự nhưng vẫn xử lý hành chính. Việc xử lý hình sự thường bị kéo dài, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều lần, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng về xác định tội danh, hình phạt. Thực trạng xử lý một số vụ tham nhũng chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh PCTN.


Góp ý về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có báo cáo đánh giá tình hình công tác PCTN của các ngành: Các cơ quan báo chí, MTTQ Việt Nam, các tổ chức quốc tế. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có đánh giá cụ thể chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng chuyên trách đấu tranh PCTN. Đặc biệt, cần làm rõ liệu có hay không tình trạng bao che, bỏ sót hoặc thậm chí là tham nhũng trong công tác? Cần tổng hợp đánh giá thực chất công tác đấu tranh PCTN của các ngành có liên quan; làm rõ trách nhiệm trong phòng ngừa tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu.

 

*Chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.


Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án luật dự kiến sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi công chứng, theo đó cùng với việc chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác, công chứng viên được giao thẩm quyền chứng nhận tính xác thực của bản dịch; đồng thời, quy định công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp và tính xác thực của giấy tờ được dịch, về tư cách pháp lý của người dịch và trình tự, thủ tục công chứng bản dịch, còn người dịch chịu trách nhiệm về tính xác thực của nội dung bản dịch. Việc giao lại cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch và chịu trách nhiệm hoàn toàn hoặc liên đới cùng với người dịch như quy định trong dự thảo luật sẽ nâng cao chất lượng bản dịch.


Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với chủ trương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng với các giải pháp được đề ra trong dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chủ trương này cần được nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể. Xung quanh việc nâng cao chất lượng của đội ngũ công chứng viên, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung các quy định của luật nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sự phát triển bền vững của đội ngũ công chứng viên. Cụ thể là xác định rõ địa vị pháp lý của công chứng viên; trách nhiệm của công chứng viên về hoạt động hành nghề của mình; nâng cao yêu cầu đối với tiêu chuẩn công chứng viên; sửa đổi quy định về đào tạo và tập sự hành nghề công chứng; làm rõ hơn trách nhiệm của công chứng viên, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên... Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ thêm về cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định này cũng như tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN