Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: Đổi mới mạnh mẽ hơn phương thức hoạt động của Quốc hội

Sáng 28/3, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011). Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp.

Đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XII, các đại biểu nhất trí, Quốc hội đã đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Nhìn tổng thể, kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ khóa XII là Quốc hội đã hoạt động ngày càng dân chủ, thiết thực và hiệu quả, có nhiều đổi mới trong tư duy và thực tiễn hành động.

Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng, phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Các kỳ họp của Quốc hội đã thực sự trở thành sự kiện chính trị thu hút và những phiên thảo luận sôi nổi, tâm huyết tại hội trường đã để lại ấn tượng tốt đẹp và sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước. Các đại biểu bày tỏ vui mừng khi Quốc hội đang ngày càng thật sự gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, trân trọng lắng nghe, nắm bắt kịp thời, phản ánh đầy đủ ý chí, tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Nhiều đại biểu cho rằng, sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới. Chất lượng và hiệu quả thực hiện các chức năng của Quốc hội phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc (HĐDT), các ủy ban; tăng cường chất lượng đại biểu Quốc hội có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Muốn vậy, cần có cơ chế, điều kiện để nhân dân lựa chọn được những người tiêu biểu vào Quốc hội; quy định cụ thể, rõ ràng hơn nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội; tăng cường quan hệ phối hợp công tác... Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động, cần xác định rõ hơn vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của các đoàn đại biểu Quốc hội. Đại biểu tán thành chủ trương tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách... Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, địa vị pháp lý, mối quan hệ công tác giữa đoàn đại biểu Quốc hội với cấp ủy và chính quyền địa phương cũng chưa rõ, thiếu cụ thể nên chất lượng hoạt động giữa các đoàn còn chưa thực sự đồng đều.

Tổ chức, bộ máy và phương thức, chế độ làm việc của Quốc hội cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm góp ý. Các đại biểu Danh Út, Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) đề nghị cần xem xét điều chỉnh theo hướng tăng cường các cơ quan trực thuộc Quốc hội, như: Thành lập Ủy ban Dân nguyện trực thuộc Quốc hội, nâng cấp Viện nghiên cứu lập pháp thành một cơ quan nghiên cứu khoa học trực thuộc Quốc hội để thêm kênh cung cấp nguồn thông tin chính thống cho đại biểu.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng Quốc hội cần tăng cường tính chuyên nghiệp, tính liên tục và tính kế thừa. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cần phát huy vai trò của từng đại biểu, đoàn đại biểu, các ủy ban và toàn thể QH. Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) cũng đề nghị, để đảm bảo tính chủ động của Quốc hội, UBTVQH, cần tăng cường hơn nữa vai trò của HĐDT và các ủy ban.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), một vấn đề quan trọng là thúc đẩy môi trường, điều kiện, cơ chế để Quốc hội hoạt động hiệu quả, đúng như mong muốn của cử tri và nhân dân. Trong hoạt động giám sát, cần quan tâm tới quyền được giám sát của người dân đối với những quyết định của các đại biểu Quốc hội – những người đã được họ lựa chọn và tin cậy trước những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống. Đại biểu cho rằng, cần tạo mối quan hệ khăng khít hơn giữa đại biểu Quốc hội với các địa phương; coi trọng tính chuyên nghiệp của đại biểu, tính kế thừa trong mỗi nhiệm kỳ.

Thanh Hòa - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN