Đà Nẵng và Cà Mau chủ động triển khai biện pháp ứng phó với siêu bão Rai

Ngày 17/12, UBND thành phố Đà Nẵng có Công điện số 05/CĐ-UBND về ứng phó với siêu bão Rai - bão số 9.

Chú thích ảnh
 Tàu thuyền của ngư dân miền Trung được neo đậu tránh bão tại Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh tư liệu: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân; rà soát các khu dân cư ở vùng trũng, thấp, ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhất là hộ dân sống ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê và khu vực đồi núi của huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà, quận Liên Chiểu…

Các địa phương, đơn vị tổ chức neo đậu và quản lý người, phương tiện hoạt động trên sông, biển an toàn; sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo công tác triển khai sản suất vụ Đông Xuân và có kế hoạch xuống giống hợp lý, tránh thiệt hại trôi giống, ngập úng do ảnh hưởng mưa bão.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng tiếp tục nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng, tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn; chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi âu thuyền, đến neo đậu tại các khu vực phù hợp trước 12 giờ ngày 18/12, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố Đà Nẵng triển khai phương án phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy nổ trên địa bàn thành phố; sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp với các lực lượng liên quan hỗ trợ các địa phương triển khai sơ tán nhân dân khi có đề nghị; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng trên từng địa bàn, nhất là các khu vực xung yếu, địa bàn trọng điểm như: đập An Trạch, hồ chứa Đồng Nghệ và Hòa Trung...

Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; sẵn sàng vận hành các trạm bơm chống ngập; chỉ đạo tổ chức bơm chống ngập ở khu vực nội thành.

* Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, đến chiều 17/12, Cà Mau có trên 3.400 tàu với trên 16.300 thuyền viên đang neo đậu an toàn tại 4 khu neo đậu tránh trú bão. Tỉnh còn 1.115 tàu với trên 5.800 thuyền viên đang hoạt động trên biển, đã được thông báo về hướng đi của bão để tránh trú; đồng thời triển khai công tác đảm bảo an toàn dịch COVID-19 tại nơi neo đậu tránh trú bão.

Bên cạnh đó, qua rà soát, tổng số 47.000 căn nhà cần chằng chống trên địa bàn các huyện ven biển. Lãnh đạo các địa phương đã triển khai nhanh công tác hướng dẫn, vận động người dân chủ động hoàn thành việc chằng chống trước 36 giờ khi có tình huống bão ảnh hưởng.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 5 vị trí đê xung yếu với chiều dài 1.500 m, tại các vị trí này, ngành chức năng đã bố trí sẵn sàng 500 rọ đá, 1.000 m3 đá hộc và nhiều phương tiện vật tư khác. Bên cạnh đó, tỉnh bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, sẵn sàng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị chức năng hộ đê khi có tình huống xảy ra.

Song song đó, qua rà soát hiện có trên 1.270 lồng bè trên biển và khoảng 480 người canh giữ đáy hàng khơi. Do đó, ngành chức năng các địa phương đã thông tin hướng dẫn đến các chủ lồng bè có biện pháp gia cố, di chuyển đảm bảo an toàn chống bão, hoàn thành trước 24 giờ theo kịch bản bão ảnh hưởng, đồng thời vận động và yêu cầu người canh giữ đáy hàng khơi vào bờ trước 36 giờ theo kịch bản bão ảnh hưởng.

Căn cứ vào diễn biến của bão, Cà Mau đã đưa ra kịch bản bão có khả năng ảnh hưởng đến 3 huyện ven biển gồm: Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Phú Tân. Theo đó, số dân cần di dời là hơn 146.000 người. Để ứng phó với kịch bản trên, tỉnh đã chuẩn bị 600 điểm sơ tán, với sức chứa gần 260.000 người, đồng thời chuẩn bị 1.500 phương tiện (thủy và bộ) và lực lượng 29.000 người để thực hiện di dời dân khi cần thiết.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố Cà Mau theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của bão; kịp thời thông tin rộng rãi đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân biết để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thông báo đến các phương tiện đang hoạt trên biển biết thông tin, diễn biến của bão; thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với thuyền trưởng các phương tiện; hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Các đơn vị làm nhiệm vụ trực ban về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức trực ban theo quy định…

Quốc Dũng - Huỳnh Anh (TTXVN)
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Bão muộn, hướng di chuyển bất thường nên không được chủ quan
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Bão muộn, hướng di chuyển bất thường nên không được chủ quan

Chiều 17/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố để triển khai công tác ứng phó với cơn bão có tên quốc tế Rai. Đây là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh diễn ra vào thời điểm cuối năm, có hướng di chuyển bất thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN