Cử tri nói gì về trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN?

Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình đã trả lời chất vấn trước Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/8, sau đây là tổng hợp ý kiến cử tri của một số địa phương.

* Bày tỏ sự hài lòng về phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, bà Nguyễn Thị Bích Trâm, cán bộ Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Bảo An (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng: Thống đốc đã trả lời thắng thắn, đúng trọng tâm, không né tránh những vấn đề rất nóng liên quan đến ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, bà Bích Trâm vẫn băn khoăn về phần trả lời "thừa-thiếu" ngân hàng của Thống đốc: Với một quốc gia có đến 94 triệu dân mà tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chưa đến 100 tỷ đô la Mỹ thì số lượng ngân hàng TMCP mọc lên quá nhiều có hợp lý ? Theo bà Trâm: "Ngân hàng đã, đang trở thành nhà buôn tiền, chứ không phải là kênh cho vay với doanh nghiệp;....Tôi mong rằng, Thống đốc và Quốc hội cần sớm làm rõ vì sao để hệ thống NHTM nhiều như vậy, trong khi sức cạnh tranh thì yếu? bao giờ các doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất cho vay 12% mà không bị vấn nạn chạy cửa sau?"- Bà Trâm bày tỏ.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: "Năng lực giám sát của NHNN trong một thời gian dài còn hạn chế". Ảnh: dantri.com.vn



*Tái cấu trúc các ngân hàng thương mại Việt Nam - một trong những vấn đề trọng tâm của kinh tế đất nước: Tiến sĩ kinh tế Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư cho rằng: Sau những năm hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh sự lớn mạnh vượt bậc và nhanh chóng về số lượng, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang bộc lộ rõ một số nhược điểm về chất lượng hoạt động, cụ thể là: tính thanh khoản kém, công nghệ lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, quản trị ngân hàng yếu, quản lý rủi ro kém, tỷ lệ nợ xấu gia tăng…

Hệ quả là các ngân hàng thương mại Việt Nam chưa thực hiện thật tốt chức năng là tổ chức trung gian để phục vụ tăng trưởng kinh tế đất nước.

Trong kinh tế thị trường, hoạt động của các tổ chức trung gian tài chính là hết sức quan trọng, để khơi thông nguồn vốn của nền kinh tế, tài trợ hiệu quả cho hoạt động của các doanh nghiệp. Trong nền kinh tế, vai trò của các ngân hàng thương mại như một quả tim, bơm máu cho hoạt động của toàn cơ thể. Vì thế, khi hệ thống ngân hàng thương mại khủng hoảng, nền kinh tế có thể khủng hoảng theo, hoặc sự khủng hoảng ở một ngân hàng thương mại lớn có thể tạo ra hiệu ứng lan truyền trong toàn hệ thống ngân hàng.

Tiến sĩ Anh Thư nhấn mạnh: Hơn lúc nào hết, việc tái cấu trúc các ngân hàng thương mại Việt Nam trở thành một trong những vấn đề trọng tâm của kinh tế đất nước.


* Tiến sĩ Đặng Thị Ngọc Lan, Trường Đại học Tài chính-Marketing đề xuất các giải pháp góp phần làm cho quá trình tái cấu trúc trở nên thực thi và hiệu quả như: Cần nâng cao khả năng tự chủ tài chính của ngân hàng; tăng cường khả năng huy động vốn và sử dụng vốn hiệu quả; chủ động thâm nhập vào thị trường quốc tế...

Tiến sĩ Ngọc Lan nhấn mạnh đến giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và cho rằng: Để hạn chế tâm lý đám đông khi thực hiện tái cấu trúc thì nên mở rộng công tác tuyên truyền đến dân cư để không tạo trạng thái người dân đổ xô đi rút tiền hoặc chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Vì vậy quá trình tái cấu trúc nên thực hiện thí điểm một số ngân hàng để rút kinh nghiệm và quá trình tái cơ cấu nên thực hiện từ từ. Có thể sáp nhập theo lĩnh vực hoạt động trước, sau đó để bộ máy các cấp đồng bộ thì sẽ sáp nhập bộ máy cấp cao.

Khi sáp nhập thì nên tiến hành từng bước nhằm tránh những tâm lý hoang mang từ dân cư, doanh nghiệp. Có thể sáp nhập các ngân hàng theo từng nhóm ngân hàng nhằm giải quyết nguồn lực đủ để trợ giúp thanh khoản từ ngân hàng Nhà nước. Như vậy sẽ tránh hiện tượng phải bơm khối lượng tiền lớn vào các ngân hàng để trợ giúp.


* Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) – Chủ tịch Hiệp hội lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Bên cạnh những khó khăn do hàng tồn kho lớn, các doanh nghiệp đang phải chịu lãi suất vay ngân hàng rất cao.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước trong những tháng gần đây đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất, thể hiện quyết tâm lớn của ngành ngân hàng, nhưng mức lãi suất bình quân cho vay từ 13-15% vẫn chưa thật sự hấp dẫn doanh nghiệp.

Rõ ràng là hiện nay các doanh nghiệp có hàng tồn kho lớn, các ngân hàng cũng bị “tồn kho” vốn. Mặt bằng lãi suất của Việt Nam cho các doanh nghiệp vay hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á. Lãi suất này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp do khả năng sinh lời từ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của doanh nghiệp ngày càng giảm sút. Để cứu các doanh nghiệp, các ngân hàng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất phù hợp để họ duy trì hoạt động cho đến khi kinh tế phục hồi.

Ở thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay phải được xem xét điều chỉnh giảm xuống dưới 10% theo lộ trình để doanh nghiệp ổn định, phát triển.



* Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Đà Nẵng cho rằng: Phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khá rõ ràng, rành mạch, nhưng nặng về lý giải nhiều hơn, còn cụ thể nhiều vấn đề nóng bỏng hiện nay thì Thống đốc Ngân hàng trả lời rất chung chung.

Cụ thể như việc mới đây nhất là hạ lãi suất và mở rộng phạm vi cho vay đang là những động thái mới nhất của các ngân hàng nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất như hiện nay. Bởi ngân hàng vẫn cương quyết nói không với những doanh nghiệp khó có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã phải chịu áp lực về lãi suất cao kéo dài ở các khoản vay cũ, khó tiếp cận khoản vay mới, nợ xấu và nợ quá hạn khiến các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn.

Một tín hiệu vui khi mấy tháng trở lại đây, các ngân hàng thương mại đã liên tiếp thực hiện việc điều chỉnh hạ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Cùng với đó là hàng loạt gói hỗ trợ trị giá hàng trăm tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, thông tin về việc các ngân hàng trên địa bàn cam kết điều chỉnh các khoản vay cũ và mới về mức 15%/năm từ ngày 15/7 vừa qua như một chiếc “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp.

Trong đợt điều chỉnh lãi suất cho vay lần này của các ngân hàng, rất nhiều khoản vay trước đây bị "khoanh vùng" hạn chế cho vay như vay bất động sản, vay tiêu dùng, chứng khoán… cũng đã được nới lỏng. Thậm chí, có ngân hàng đang thực hiện việc áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn là như nhau đối với mọi khoản vay. Hạ lãi suất là một tín hiệu tốt, nhưng mức 15%/năm như hiện nay vẫn còn quá cao bởi tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để lãi suất cho vay của cả hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục giảm xuống nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm này.


Anh Tùng-Huy Hiệp- Văn Sơn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN