Đây được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm, tập hợp lãnh đạo của nhiều quốc gia trên thế giới để cùng trao đổi về vấn đề thời sự liên quan đến toàn nhân loại. Năm nay, Anh giữ vai trò là nước chủ nhà và chủ tịch của Hội nghị cùng với Italy. Phóng viên báo Việt Nam News (Thông tấn xã Việt Nam) đã phỏng vấn Đại sứ Anh Gareth Ward nhân sự kiện này.
Chính phủ Anh kỳ vọng gì từ sự kiện này, thưa ông?
Hơn 140 nhà lãnh đạo trên toàn thế giới sẽ tập hợp tại Glasgow để tham dự Hội nghị COP26 (Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26). Mục tiêu chính của Hội nghị là giữ nhiệt độ Trái đất tăng lên không quá 1,5 độ C, nghĩa là phải dừng sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để làm được điều đó, có 4 mục tiêu chính mà chúng ta cần đạt được.
Mục tiêu thứ nhất là giảm nhẹ, nghĩa là giảm bớt lượng phát thải carbon của các quốc gia.
Mục tiêu thứ hai là hỗ trợ các quốc gia để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thế giới của chúng ta hiện tại đã đạt mức nóng lên hơn 1 độ C, cũng có thể là 1,2 độ C. Chúng ta có thể nhìn thấy tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam, thông qua những hiện tượng như mực nước biển dâng cao và thời tiết cực đoan.
Mục tiêu thứ ba mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết là tài chính. Những nước phát triển nhận ra họ đã phát thải quá nhiều khí carbon trong lịch sử, gây tác động tiêu cực tới môi trường. Vì vậy, các nước phát triển cần cung cấp nguồn tài chính mới để các nước đang phát triển có thể thực hiện quá trình chuyển đổi nhanh chóng hơn.
Và mục tiêu cuối cùng, Hội nghị COP26 là một cuộc đàm phán về thỏa thuận chung Paris, vậy nên sẽ có rất nhiều nội dung công việc cần được hoàn thành. Mục tiêu cuối cùng của Hội nghị là tất cả các bên cùng cam kết thực hiện những biện pháp mới, đạt được sự minh bạch trong những mối quan hệ hợp tác giữa các nước để đảm bảo rằng thế giới đang đi đúng hướng.
Xin ông cho biết quan điểm của ông về việc giảm sử dụng than ở Việt Nam?
Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh và sẽ cần sử dụng nhiều điện hơn trong tương lai. Lượng điện này sẽ đến từ những nguồn năng lượng nào là câu hỏi đang được đặt ra. Trong năm năm gần đây, từ một nước xuất khẩu than, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu ròng nhiên liệu này. Than hiện là nguồn năng lượng chủ yếu cho việc sản xuất điện của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc đốt than có nhiều tác hại như gây phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết chấm dứt điện than - lấy ví dụ như tại Vương quốc Anh, than chỉ chiếm ít hơn 2% trong tổng sơ đồ năng lượng vào tháng 7 năm nay. Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã quyết định ngừng cung cấp tài chính cho các nhà máy điện than mới. Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26), được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11 năm nay yêu cầu tất cả các quốc gia cam kết không có kế hoạch điện than mới trong tương lai.
Biến đổi khí hậu không chỉ là chuyện lý thuyết. Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến những tác động tiêu cực của hiện tượng nóng lên toàn cầu, với nhiệt độ được ghi nhận là cao hơn khoảng 1,2 độ C so với nhiệt độ ở thời kỳ tiền công nghiệp, ví dụ như nhiễm mặn ở Đồng bằng sông Cửu long, lũ lụt ở các thành phố lớn và các hiện tượng thời tiết cực đoan - tất cả đều tác động nặng nề đến Việt Nam.
Đóng góp lớn nhất mà Việt Nam có thể thực hiện trong nỗ lực ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu là ngưng sử dụng công nghệ đốt than vốn đã lỗi thời và dừng nhập nhập khẩu nguồn nhiên liệu này. Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình thông qua công nghệ mới và thông qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên sạch. Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời và gió. Các nhà đầu tư tư nhân quốc tế sẽ có thể nhanh chóng hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo nếu có những điều kiện thích hợp.
Để thực hiện được điều này, Việt Nam cần có hạ tầng lưới điện mới để tăng khả năng truyền tải điện tới những khu vực cần thiết. Cộng đồng quốc tế mong muốn cung cấp hỗ trợ phát triển để giúp Việt Nam nâng cấp lưới điện, và từ đó Việt Nam có thể trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Chuyển dịch năng lượng nên là ưu tiên của Việt Nam trong những năm tới. Việc chuyển đổi mang lại nhiều cơ hội to lớn như tạo ra việc làm mới, thu hút đầu tư mới do có sự chuyển đổi trong chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu đang được phục hồi. Việc chuyển từ sử dụng than sang phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đem lại hiệu quả về mặt chi phí mà còn mang tới những tiềm năng to lớn để kích thích sự phát triển lớn mạnh hơn cho nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục sản xuất điện than cũng gây ra những nguy cơ lớn, từ ô nhiễm không khí cho tới các vấn đề về sức khoẻ. Phụ thuộc vào nhập khẩu than, nguy cơ đánh mất cơ hội đầu tư mới và khả năng gánh chịu thuế carbon trong tương lai sẽ là những lý do chính đáng để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Chính phủ Vương quốc Anh đã và sẽ làm gì để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này?
Vương quốc Anh đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án xanh. Cùng với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và nhiều đối tác phát triển khác, Vương quốc Anh hiện đang chủ trì Hội đồng Chuyển dịch Năng lượng COP26 nhằm hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng cho 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam từ nay đến năm 2025. Vương quốc Anh cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ Việt Nam xuyên suốt chương trình nghị sự quan trọng này và mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia một cách tích cực.
Các nhà đầu tư từ Vương quốc Anh đều đặc biệt quan tâm đến các dự án về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả những dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các chính sách hỗ trợ dài hạn cũng như đơn giản hóa các thủ tục để các nhà đầu tư có thể thực hiện những dự án nói trên.
Xin trân trọng cảm ơn ông!