Thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính
Trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, dự án Luật sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế. Thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Dự án Luật quy định một số giải pháp thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức (phân cấp phân quyền 3 nội dung, cải cách 8 thủ tục), bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với việc dự thảo Luật đã lược bỏ một số nội dung để đảm bảo sát với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh và trong bối cảnh Luật được xây dựng theo quy trình một kỳ họp nên việc chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ và được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp.
Những nội dung chưa được kiểm chứng trong thực tế, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần được nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng và thực hiện có lộ trình.
Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật và thống nhất với 4 chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Với những quy định của dự thảo Luật mở rộng hơn với chính sách được nêu tại đề nghị xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng để làm căn cứ đưa vào dự thảo Luật, đồng thời, tiếp tục rà soát để hạn chế tối đa quy định trong dự thảo Luật những vấn đề còn nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ thông qua dự án Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tài liệu hợp phần của Hồ sơ để Hồ sơ bảo đảm toàn diện, thống nhất khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó lưu ý bổ sung đánh giá tác động một số nội dung chính sách thành phần của từng chính sách lớn, trong đó cần quan tâm tác động đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế khi mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng phạm vi được hưởng cho người đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và tỷ lệ được hưởng ở một số đối tượng để bảo đảm tính khả thi, tính thuyết phục của phương án lựa chọn; đảm bảo tính chính xác các số liệu trong hồ sơ dự án Luật.
Sự cần thiết trong việc sửa đổi, bổ sung Luật
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách hành chính trong khám, điều trị bệnh bảo hiểm y tế thường xuyên được nhân dân nêu trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cần được tiến hành một cách cẩn trọng, nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thách thức lớn hiện nay là đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, nâng cao độ phủ của bảo hiểm y tế trong toàn dân đạt được chỉ tiêu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Cần cân nhắc để phạm vi sửa đổi luật đã tập trung vào các nội dung thật sự cần thiết sửa đổi, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong báo cáo cần làm rõ các thành tựu, kết quả của ngành y tế, bảo hiểm y tế đã đạt được trong những năm qua, giải đáp được các vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, đồng thời thể hiện rõ, trong ngành đã nhận thức rõ được các tồn tại, hạn chế trong vận hành, từ đó có kế hoạch cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các luật Quốc hội ban hành cần đơn giản, khái quát, có tầm nhìn, với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bên cạnh đó, có thể phân cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan Bảo hiểm y tế theo đúng thẩm quyền để đảm bảo đẩy nhanh tốc độ xây dựng, ban hành, thi hành pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật hiện thời đang quy định rõ hơn về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế. Đây là quy định rất cần thiết nhằm nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, cần rà soát để đảm bảo tương thích với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hiện nay đều do Bảo hiểm Xã hội thực hiện.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về các trường hợp được xem là có lý do chính đáng để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, do dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một Kỳ họp, nên chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành để giải quyết một số vấn đề vướng mắc, bất cập có tính cấp thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đúng thời hạn quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.