Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.986,15 USD/ounce vào đầu phiên 1/5. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng mất 0,2% và lùi xuống còn 1.995,00 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này tăng 0,1% và khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Giới đầu tư đang đặc biệt chú ý đến cuộc họp dự kiến diễn ra trong hai ngày 2-3/5 của Fed. Báo cáo mới nhất cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ không thay đổi trong tháng Ba, do chi tiêu tăng cho dịch vụ được bù đắp bằng sự sụt giảm giá hàng hóa. Song về cơ bản, áp lực lạm phát vẫn tiếp tục mạnh lên – một yếu tố có thể khiến Fed tăng lãi suất trong tuần này.
Hiện các nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng Fed có 89,1% cơ hội tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Vàng được biết đến như một công cụ phòng ngừa lạm phát nhưng rất nhạy cảm với các biến động lãi suất. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Tại châu Á, giá vàng cao khiến nhu cầu mua vàng ở các trung tâm quan trọng xuống thấp vào tuần trước. Tình hình đó buộc các đại lý ở Ấn Độ phải tăng mức chiết khấu sau khi mùa lễ hội quan trọng chỉ thúc đẩy hoạt động mua vàng tăng một cách hạn chế.
Còn ở thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 24,95 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,7% xuống 1.066,55 USD/ounce.
Bên cạnh đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản mở cửa cao hơn vào sáng thứ Hai sau khi chứng khoán Mỹ tăng điểm vào cuối tuần trước. Các nhà đầu tư cũng dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này.
Vào đầu phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,82% (tương đương 236,58 điểm) lên 29.093,02 điểm.
Các thị trường tài chính ở Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan đều đóng cửa nghỉ lễ trong phiên này.