Thể thao Việt Nam thời chuyên nghiệp: Kỳ tích và khoảng tối

Có một thực trạng vô lý đã tồn tại khá lâu trong lòng của Thể thao Việt Nam, đó là những môn có tính chuyên môn sâu, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước lại luôn tạo nên những kỳ tích. Ngược lại, thứ mà những nhà quản lý tự hào về cái gọi là chuyên nghiệp hóa, thì đang chìm vào khoảng tối đáng buồn của cơ chế thị trường. Thời điểm này cũng chẳng hề là ngoại lệ...


Những niềm tự hào


Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt từ cuối tháng 12/2010, nhưng cũng phải gần đến nửa năm sau, Hội nghị triển khai công tác thực hiện mới được ngành TDTT tổ chức. Và khi mà các ý kiến còn đang được tổng hợp, cùng bản kế hoạch chi tiết vẫn còn là "kế hoạch", thì chuyện thành - bại vẫn còn ở thì tương lai. Tuy nhiên, chẳng vì thế mà dòng chảy thể thao nước nhà chậm lại, bởi vào lúc này, trên các đấu trường quốc tế, tin vui đã bay về.

Quang Liêm trở thành hiện tượng của làng cờ vua thế giới


Mục tiêu giành 30 suất chính thức đến với Olympic London 2012 mới chỉ vừa đặt ra và ngay trong giới chuyên môn còn nhiều tranh cãi liên quan tới tính thực tế của con số đó, thì từ Malaixia, kình ngư trẻ Hoàng Quý Phước đã nổ phát pháo đầu tiên. Không hề là kỳ vọng lớn, cũng không được tham dự giải đấu này (giải Malaixia mở rộng 2011) với tư cách tuyển thủ quốc gia mà chỉ bằng kinh phí địa phương, nhưng Quý Phước đã trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên vượt qua chuẩn dự Olympic cùng tấm vé để góp mặt tại giải VĐTG 2011 (tháng 7 này tại Trung Quốc) tại nội dung 100m ếch nam.


Kỳ tích của Hoàng Quý Phước còn đang thời sự, thì cách Việt Nam nửa vòng trái đất, kỳ thủ trẻ môn cờ Vua Lê Quang Liêm cũng đi vào lịch sử thể thao nước nhà, với tư cách Siêu Đại KTQT đầu tiên. Bắt đầu bằng niềm đam mê cá nhân, được chăm sóc, đầu tư đặc biệt từ gia đình, rồi kết hợp với kinh phí, chế độ của nhà nước, chỉ trong vài năm trở lại đây, Quang Liêm trở thành hiện tượng của làng cờ Vua thế giới. Thành tích 2 lần vô địch giải Aeroflot ở Moscow (Nga), hạng nhì giải Sparkassen Chess-Meeting Dortmund 2010, nay là Á quân giải Tưởng niệm huyền thoại Capablanca 2011 vừa khép lại ở Cuba và đặc biệt là bước tiến lớn để đứng vào danh sách 40 Siêu Đại KTQT, là bước tiến thật kỳ diệu của chàng trai trẻ chơi cờ TP.HCM, người đã được tờ New York Times gọi là "Thần đồng cờ Việt Nam".


Quý Phước, Quang Liêm, Tiến Minh (cầu lông), Hoàng Thiên (quần vợt)... và nhiều cái tên khác, những người bằng nỗ lực tuyệt vời đang mang về cho thể thao Việt những kỳ tích, cho dù chính những môn thể thao mà họ "trót" đam mê, còn chưa thực sự được quan tâm đầu tư từ nhiều phía.


Và những khoảng tối


Ngược lại, với bóng đá, môn thể thao đi tiên phong trong tiến trình chuyên nghiệp hóa của Thể thao Việt Nam, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, tiền không còn là chuyện để phải nghĩ. Sân chơi nội gần như đã thoát khỏi cơ chế bao cấp khi bóng đá đỉnh cao lúc này là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp đổ tiền đầu tư, lấy thành tích, lấy thương hiệu. Còn ở cấp đội tuyển, bóng đá với sự hậu thuẫn từ một Liên đoàn quốc gia ngày càng giàu có, cũng nhận mức đầu tư, chế độ, lương thưởng... khiến bất cứ đội tuyển quốc gia của môn thể thao nào còn lại cũng phải mơ. Cơn lốc tiền tỷ làm thay đổi cả bộ mặt, lẫn đời sống của bóng đá...


Thế nhưng, cũng chính trong cái cơn lốc ấy, những khoảng tối đã hiện ra! Trên sân chơi nội lúc này, cuộc đua tiền vẫn cứ nóng bỏng, mà ở đó, thành tích mới là thước đo cho tất cả. Bóng đá thời lên chuyên còn trở nên méo mó, xấu xí khi gắn liền với nạn bạo lực từ sân cỏ lên khán đài và với sự xuống cấp nghiêm trọng từ nền tảng văn hóa. Chuyện cầu thủ đội LS. Thanh Hóa, Mai Xuân Hợp vừa bị nhóm CĐV quá khích đánh vỡ đầu ngoài sân Hàng Đẫy (Hà Nội) mà chẳng ai phải... chịu trách nhiệm là minh chứng rõ nhất cho cái sự "loạn" của thời lên chuyên.


Rồi khi mà hàng loạt những gương mặt khác đang mang về cho Thể thao Việt Nam những kỳ tích bằng chiến công ở tầm khu vực, thế giới, thì bóng đá Việt vẫn đang phải "sôi sục" cùng bài toán giải mã giấc mơ Vàng SEA Games đã kéo dài tới hơn nửa thế kỷ. Giấc mơ Vàng đang "sống lại" cùng ông thầy ngoại thứ 8 Falko Goetz...


Sự vô lý ấy đã và chắc chắn sẽ còn tồn tại, bởi lẽ thật giản đơn... bóng đá là Vua! Ông Vua trong cách nghĩ, cách đầu tư của chính những người có trách nhiệm với thể thao Việt.


Vũ Minh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN