Thể thao Việt Nam một năm nhìn lại: Rằng vui thì thật là vui...

Một năm với nhiều sự kiện lớn của thể thao Việt Nam (TTVN) đã khép lại. Vui có, buồn có, nhưng tất cả đều mang lại cho chúng ta những bài học quý để chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo trong tương lai, mà gần nhất là năm 2013, với điểm nhấn SEA Games 27.

 

18 suất chính thức tham dự Olympic 2012


Olympic Luân Đôn 2012 chính là sự kiện quốc tế lớn nhất mà TTVN tham dự trong năm qua. Sự kiện này ghi một dấu ấn lịch sử: TTVN giành 18 suất chính thức ở 11 môn thi đấu, trong đó có đầy đủ 5 môn cơ bản: điền kinh, bắn súng, bơi, thể dục dụng cụ và cử tạ.

 

VĐV cử tạ Trần Lê Quốc Toàn hụt huy chương Olympic. Ảnh: thethaovietnam.vn

“Góp mặt đã là thành công” là khẩu hiệu của Olympic kỳ này, nhưng cũng cần phải nói rằng, quá trình chuẩn bị còn khá cập rập và phong độ chưa cao của một số tuyển thủ đã khiến TTVN không giành được huy chương nào tại Luân Đôn 2012.


Vậy là sau 2 chiếc HCB của Trần Hiếu Ngân (taekwondo) năm 2000 và Hoàng Anh Tuấn (cử tạ) năm 2008, TTVN vẫn phải chờ thêm ít nhất 4 năm nữa để hy vọng giành được chiếc huy chương Olympic thứ 3. Ở đây, nếu nhìn vào thành tích của Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) hay Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ) thì chúng ta hoàn toàn có lý do để mà hy vọng. Vấn đề là những VĐV như thế này có được đầu tư đúng mức và dài hạn từ nay đến Olympic Rio de Janeiro 2016 hay không, chứ nếu vẫn giữ kiểu tập trung đầu tư trọng điểm nửa năm như trước Olympic 2012 thì tham vọng giành thêm huy chương Olympic của TTVN chắc sẽ còn phải đợi lâu.

 

Giành quyền đăng cai Asiad 2019


Sau thành công của Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 2003, và Đại hội thể thao trong nhà châu Á - AI Games 2009, Việt Nam tiếp tục vinh dự trở thành chủ nhà của Đại hội thể thao châu Á - Asiad 2019.

 

Việt Nam giành quyền đăng cai Asiad 2019. Ảnh: voc.org.vn

Đây là kết quả của cuộc bầu chọn do Hội đồng Olympic châu Á tổ chức vào ngày 8/11. Hà Nội đã vượt qua đối thủ duy nhất là Surabaya (Inđônêxia).


Lần đầu tiên đăng cai Asiad, đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử, không chỉ thúc đẩy bước phát triển của TTVN mà còn là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè châu lục và trên thế giới.


Dự kiến, kinh phí tổ chức Asiad 2019 của Việt Nam vào khoảng 150 triệu USD. Ngoài thủ đô Hà Nội sẽ diễn ra các môn thi đấu chính và tổ chức lễ khai mạc, bế mạc, thì các tỉnh vệ tinh cũng sẽ tham gia tổ chức các môn thi đấu. Các tỉnh này đều đã có nhà thi đấu được đầu tư trang thiết bị đầy đủ từ SEA Games 2003.
Vinh dự là thế, nhưng việc đăng cai Asiad cũng khiến TTVN đứng trước những thách thức lớn: Chuẩn bị nguồn nhân lực, không chỉ riêng đội ngũ VĐV, HLV, mà rộng hơn là đội ngũ cán bộ điều hành, trọng tài, giám sát kỹ thuật... cho giải đấu. Thời gian 7 năm chuẩn bị cũng không phải là dài so với quy mô và tầm vóc của Asiad, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay.

 

Nhiều VĐV giành thành tích cao trên đấu trường quốc tế


Phan Thị Hà Thanh là một trong số những cái tên gây ấn tượng nhất của TTVN năm 2012. Tại giải vô địch châu Á ở Phúc Kiến (Trung Quốc), cô gái người Hải Phòng đã giành tấm HCV châu Á đầu tiên cho thể dục dụng cụ Việt Nam, ở nội dung nhảy ngựa. Ngoài ra, Hà Thanh còn bước lên bục cao nhất ở nội dung sở trường nhảy chống khi tham dự giải TTDC Toyota Cup tại Nhật Bản, cũng như tại giải TDDC thế giới tại CH Séc.


 

VĐV thể dục dụng cụ Hà Thanh liên tiếp đạt thành tích cao. Ảnh: internet

Tương tự như Hà Thanh, ngoài vé tới Olympic 2012, Nguyễn Thị Ánh Viên cũng đi vào lịch sử với những tấm huy chương châu Á đầu tiên cho bơi lội Việt Nam (1 HCB, 1 HCĐ) tại giải đấu được tổ chức ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất).


Trong khi đó, với chức vô địch giải cờ vua trẻ thế giới, lứa tuổi U10, kỳ thủ Nguyễn Anh Khôi không chỉ đi vào lịch sử cờ vua Việt Nam với tư cách là nhà vô địch trẻ thế giới thứ 6, mà còn lập kỷ lục toàn thắng 11 trận trong lịch sử giải cờ vua trẻ thế giới.


Sự tỏa sáng của những VĐV trẻ đang đem đến hy vọng về thành công của TTVN trong tương lai.

 

Thất bại của đội tuyển bóng đá nam tại AFF Suzuki Cup


Không thắng được trận nào (thua 2, hòa 1) và chỉ ghi được 2 bàn thắng, đội tuyển Việt Nam đã phải rời cuộc chơi ngay từ vòng bảng. Đây chính là kết quả tồi nhất của bóng đá nam Việt Nam trong 9 lần tham dự giải vô địch Đông Nam Á.


 

HLV Phan Thanh Hùng từ chức sau AFF Suzuki Cup. Ảnh: internet

Rất nhiều lý do được đưa ra để giải thích về thất bại của đội tuyển, từ thái độ chủ quan, cuộc khủng hoảng chấn thương, quá trình chuẩn bị thể lực có sự lệch pha, những sai lầm về chuyên môn tại giải, phong độ sa sút của các trụ cột, những rạn nứt trong quan hệ giữa HLV với cầu thủ và giữa các cầu thủ với nhau... cho tới một lý do hết sức mơ hồ là “đen đủi”.


Sau khi trở về từ Thái Lan, HLV Phan Thanh Hùng đã “dũng cảm” đứng ra nhận trách nhiệm và xin từ chức. Lần đầu tiên sử dụng HLV nội sau 20 năm chỉ xài “hàng ngoại”, đơn từ chức của ông Hùng đang khiến cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đứng giữa hai dòng nước khi mà vòng loại Asiad 2015 và kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 2013 đã cận kề.

 

Các ông bầu bỏ bóng đá


Hầu hết các CLB chuyên nghiệp Việt Nam đều đang gặp khó khăn khi cuộc suy thoái kinh tế gõ cửa các ông chủ của họ - các doanh nghiệp. Sau sự kiện bầu Kiên (Nguyễn Đức Kiên) bị bắt vì những sai phạm kinh tế dẫn tới sự giải thể của CLB bóng đá Hà Nội và Trẻ Hà Nội, một loạt doanh nghiệp khác cũng chia tay bóng đá.

 

 

Nhiều ngôi sao chưa biết đi đâu, về đâu sau sự kiện bầu Kiên bị bắt. Ảnh: internet

Ngay cả những đội bóng tên tuổi như Navibank Sài Gòn và Khatoco Khánh Hòa cũng không thể thoát khỏi cảnh bị đem bán, hoặc được chuyển giao sau khi các ông chủ... rút chạy.


Một mô hình làm bóng đá còn nhiều bất cập như vậy đang đẩy bóng đá Việt Nam vào thế bí, phải cắt giảm số lượng các CLB tham dự mùa giải 2013. Những “sáng kiến” như để đội tuyển U22 Việt Nam tham dự V-League và giải đấu không có đội xuống hạng, rất may đã không trở thành hiện thực. Dù sao, các cầu thủ đang trở thành nạn nhân chính của trào lưu trên khi họ bỗng nhiên bị thất nghiệp và bị đẩy vào tình thế buộc phải tìm kiếm đội bóng mới.

 

Tiếp tục báo động về sự xuống cấp trong lối sống, hành vi đạo đức của một bộ phận VĐV


 

Huy Hoàng “say rượu”?

Đây chính là mặt trái của quá trình phát triển thể thao nói chung. Từ vụ cầu thủ Nguyễn Thành Trung của Tây Ninh bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong vòng 5 năm do âm mưu dàn xếp tỉ số trận đấu, trung vệ Huy Hoàng của Sông Lam Nghệ An có biểu hiệu “phê thuốc”, cầu thủ Hồng Việt (cũng của SLNA) bị chém, các tuyển thủ bóng bàn đánh nhau khi đi thi đấu quốc tế, cho tới việc 2 VĐV đua thuyền trốn ở lại Ôxtrâylia trong thời gian tập huấn..., tất cả một lần nữa lại đặt ra cho các nhà quản lý vấn đề về giáo dục văn hóa, tư cách cho các VĐV, song song với quá trình đào tạo và phát triển VĐV đỉnh cao.


Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN