Bóng đá Việt Nam nhìn dưới góc độ đào tạo trẻ

Đào tạo bóng đá trẻ:Có bột, sao chưa gột nên hồ?

Bóng đá trẻ là bộ phận không thể tách rời bóng đá đỉnh cao. Khi chúng ta đã có "bột" là các hạt nhân trẻ được tuyển chọn thông qua các giải đấu trong nước cũng như khu vực thì cần phải biết tận dụng, tránh để rơi rụng theo năm tháng.

Thành công, nhưng...

Năm 2010, bóng đá Việt Nam là nền bóng đá duy nhất ở châu Á có 4 đội bóng khác nhau lọt vào vòng chung kết tầm châu lục. Ấy là còn chưa kể đến đội Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng 2 Á vận hội, tại Quảng Châu vừa rồi. Đó là nền tảng tuyệt vời để phát triển bóng đá trong tương lai.

Từ U16 nam, nữ đến U19 nam, nữ, trong cùng 1 năm, các đội tuyển trẻ của Việt Nam thi đấu thành công tại vòng loại cũng như vòng chung kết giải vô địch châu Á. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lập được thành tích nói trên.


Khi đánh giá về những mặt đã làm được cũng như chưa được của bóng đá Việt Nam trong năm 2010, lãnh đạo LĐBĐVN đều kể đến bảng thành tích mà các đội tuyển trẻ của bóng đá nước nhà đã đạt được. Nói cho đúng, bóng đá trẻ Việt Nam đã trải qua một năm 2010 thi đấu đầy thành công và đây được xem là nền tảng để bóng đá Việt Nam nói chung phát triển hơn nữa trong tương lai.

Thế hệ các cầu thủ U19 được coi là tiềm năng của bóng đá Việt Nam.


Không sai khi nói rằng, bóng đá trẻ chính là nền móng để bóng đá nói chung của một quốc gia phát triển. Chỉ khi nào nền móng ấy vững thì ngôi nhà bóng đá của quốc gia mới được xây dựng hoàn chỉnh và vững chãi. Thế nhưng, căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của bóng đá Việt Nam thì có thể thấy, chúng ta cho dù đã bước đầu có móng nhưng xây như thế nào, mới là vấn đề đáng bàn.

Có một câu chuyện đã xảy ra 4 năm trước (2006) khi lớp đào tạo bóng đá trẻ U17 QG đã bị Tổng cục Thể dục thể thao, khi ấy còn được gọi là Ủy ban Thể dục thể thao ra quyết định xóa sổ vì gây lãng phí ngân sách hàng tỷ đồng, mà chất lượng đầu vào cũng như đầu ra đều cực thấp.


Tất nhiên, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thất bại đó, được những người làm bóng đá nước nhà lưu tâm, để rồi, khi đã có một cơ ngơi khang trang tại Mỹ Đình, nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình phát triển của FIFA, bóng đá trẻ đã được quan tâm bài bản và đầu tư có trọng điểm hơn. Phải ghi nhận đó là một bước tiến trong cách nghĩ, cách làm của bóng đá trẻ, nhưng chừng đó hiện nay vẫn là chưa đủ.

Khó mới phải làm

Trên thực tế, ngoài các lớp trẻ được Liên đoàn trực tiếp tuyển chọn hay một số CLB làm, vẫn còn khá nhiều tài năng trẻ khác của bóng đá nước nhà, những trường hợp được phát hiện từ các giải đấu trẻ trong một năm bị quên lãng, dẫn tới thui chột tài năng.


Chủ trương xã hội hóa thể thao mang lại cho bóng đá trẻ Việt Nam nhiều giải đấu, những sân chơi mới, mà ở đó các em được thi đấu, phô diễn năng khiếu bẩm sinh của mình thông qua sự kết hợp tổ chức giữa LĐBĐVN với một đơn vị chủ quản khác như một tờ báo (vòng chung kết U21, U17 QG..).

Vậy nhưng, bài toán tương lai, hậu các giải đấu đó là gì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chỉ có một số ít các đội trẻ, những cầu thủ đến từ các địa phương có truyền thống nhìn thấy được tương lai của mình với sự nghiệp “quần đùi áo số”, khi gắn liền với địa phương của mình. Số khác, đến từ những vùng, miền xa xôi, xưa nay chẳng có đội tuyển lớn, chẳng biết đến hệ thống đào tạo trẻ là gì và đương nhiên không lấy đâu ra nguồn kinh phí hoạt động, thì tài năng đến mấy rồi cũng bị bỏ phí nếu các em không tự thân vận động tìm lấy cơ hội cho mình.

Nói cách khác, dù đã có bước chuyển cả trong nhận thức lẫn cách làm, nhưng công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn còn bị động và có sự lệ thuộc, trông chờ lẫn nhau. Một bên là VFF kêu gọi các CLB cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho bóng đá trẻ, thậm chí tiến tới áp đặt cả quy định phải có đội trẻ (U19) mới cho tham dự V-League hay giải hạng nhất. Mặt khác, các CLB thích thì làm, không thích thì thôi. Với những đội bóng được doanh nghiệp, một Mạnh Thường Quân chống lưng thì còn có cơ sở để tính toán xa hơn. Còn những đội hiện chưa chuyển đổi mô hình CLB sang chuyên nghiệp thì kinh phí cho đào tạo trẻ là vô cùng ít, chất lượng vì thế mà cũng giảm sút theo.

Bóng đá trẻ Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ, đó là nhận định của lãnh đạo VFF khi nhìn vào thành tích mà các đội tuyển trẻ đã đạt được trong năm 2010 vừa qua. Điều đó cũng cho thấy, VFF đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển bóng đá trẻ và sẵn sàng tạo điều kiện để các đội tuyển trẻ tham dự các giải thi đấu quốc tế từ sớm để tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, là sự hỗ trợ tích cực của AFC, AFF…


FIFA từ các chương trình tầm nhìn quốc gia. Những thành công vừa qua cũng giúp bóng đá trẻ Việt Nam thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý của dư luận, tạo tiền đề thuận lợi để thu hút sự ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất. Nhưng dù sao, điều kiện hiện nay tại Việt Nam vẫn còn một số bất cập trong việc phát triển bóng đá trẻ, từ cơ sở hạ tầng, điều kiện tập luyện và thi đấu cho tới hệ thống các giải. Cũng mừng là nhận thức từ chính lãnh đạo VFF và các CLB với đào tạo trẻ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đây, bóng đá trẻ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.

Chủ tịch LĐBĐVN Nguyễn Trọng Hỷ:
“Công tác đào tạo trẻ tại Việt Nam nhiều năm qua thường thuộc về Nhà nước nhưng hiện giờ lại đang nằm trong tay các CLB. Chính vì thế, từ cấp lãnh đạo và quản lý, chúng tôi nhận thức được cần phải tạo điều kiện cơ chế, chính sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp cùng chung tay, góp sức làm bóng đá trẻ. Mặt khác, việc xây dựng quy chế quản lý các cầu thủ trẻ ở từng CLB cũng đang được VFF tính đến. Cần phải đưa ra quy chế đảm bảo làm sao để CLB đào tạo cầu thủ trẻ đó có quyền sử dụng cầu thủ đó, chỉ khi nào không cần đến mới chuyển nhượng. Tránh tình trạng đào tạo xong cầu thủ trẻ thì lại bị CLB khác lôi kéo mất thì làm sao các CLB có thể tâm huyết với bóng đá trẻ được. Tôi nghĩ VFF chỉ có thể làm phần ngọn của đào tạo trẻ, tức là tổ chức các ĐT trẻ quốc gia, còn các CLB tuyển chọn lực lượng từ cơ sở”.
 
Chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh:
“Chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi, đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam hiện nay đã được quan tâm đúng mức hay chưa? Liệu nhìn vào đó có thể yên tâm cho tương lai hay không? Thất bại vừa qua của ĐTVN tại AFF Cup 2010 có nhiều nguyên nhân từ sai lầm chiến thuật, HLV, cầu thủ, cho tới một yếu tố không thể bỏ qua là lực lượng. Nếu công tác đào tạo trẻ của chúng ta tốt, được làm đến nơi đến chốn thì có để xảy ra tình trạng đội tuyển vắng mặt một vài vị trí trụ cột vì chấn thương là không tìm đâu ra người thay thế xứng đáng”.

Lâm Khánh - Hàn Đan

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN