Bóng bàn là môn thể thao Olympic và là môn thể thao phổ thông hiện diện tại các kỳ thế vận hội còn được biết đến với cái tên môn ping-pong. Một quả bóng nhỏ mà khiến các VĐV phải đổ mồ hôi dõi theo từng biến chuyển.
Điểm mâu thuẫn của môn thể thao này ở chỗ, tốc độ và khả năng kiểm soát những đường bóng chớp nhoáng của các VĐV lại không đồng nghĩa với việc gia tăng tính hấp dẫn trên sân đấu hay trong các chương trình truyền hình. Tại nhiều giải đấu thể thao, người xem không chỉ bị cuốn hút vì sức mạnh từ môn thi đấu mà còn ở những chuyển động cơ thể của các VĐV, những bất ngờ vượt ngoài tưởng tượng.
Nhưng đó lại không phải những gì mà bóng bàn ở thời điểm hiện tại mang lại cho họ.
Sự lớn mạnh của bóng bàn Trung Quốc đang “tàn phá” sự phát triển của môn thể thao này ở các nước còn lại. Ảnh: AFP - TTXVN |
Kể từ khi môn bóng bàn được đưa vào hệ thống thi đấu Olympic năm 1988, Trung Quốc giành 20 trong số 24 chiếc HCV ở các nội dung. Bốn chiếc HCV còn lại thuộc về Hàn Quốc và Thụy Điển.
Olympic 2012 tại London, Trung Quốc mang về trọn bộ HCV và HCB các nội dung đơn nam và đơn nữ cùng với hai chiếc HCV đồng đội nam, đồng đội nữ. Trong khi đó, người Mỹ chưa bao giờ mang huy chương của bộ môn này về nhà.
Trong lịch sử đã chứng minh chưa bao giờ Mỹ coi bóng bàn là môn thể thao trọng điểm. Trong khi đó, đội Trung Quốc luôn đầu tư phát triển bóng bàn. Năm 1959, Trung Quốc giành được chiếc HCV ở Giải vô địch thế giới Bóng bàn lần đầu tiên. Nhiều năm sau đó, tay vợt hàng đầu của họ là Chuang Tse-tung, với lối chơi tì vợt dọc đã đi vào lịch sử của môn thể thao này và anh luôn chiến thắng đối thủ với tỷ số cách biệt.
Đội tuyển bóng bàn Mỹ hiện nay chỉ có ba nữ VĐV tuổi 16 tham gia và một VĐV nam duy nhất ở tuổi 21 là Timothy Wang. Những tay vợt triển vọng của Mỹ cũng đều là những tay vợt gốc Trung Quốc trong đó có Ariel Hsing, tay vợt nữ sáng giá nhất của Mỹ hiện nay.
Fan của Hsing hiện có cả tỷ phú Bill Gates - một người cũng vô cùng đam mê bộ môn thể thao này. Trong kỳ Olympic đầu tiên của mình tại London (Anh), tay vợt Ariel Hsing với thành tích suýt chút nữa đã đánh bại tay vợt số 2 thế giới người Trung Quốc là Li Xiaoxia, tay vợt xếp hạng thứ 115 này đã khiến cho người Mỹ chú ý hơn tới môn thể thao Olympic này.
Tiềm năng như thế nhưng chính Hsing và cả đồng đội của chị trong đội tuyển bóng bàn nữ Mỹ Lily Zhang đều chưa được định hướng phát triển chuyên nghiệp. Cả hai đều đang đến tuổi lựa chọn trường đại học. Huấn luyện viên của hai VĐV này cũng bày tỏ mong muốn được cọ sát nhiều hơn nữa nếu muốn phát triển trong tương lai và đang cùng gia đình cân nhắc cho các VĐV tiếp tục tập luyện ở nhưng trung tâm thể thao lớn.
Không chỉ có Mỹ, hiện tượng “nhập khẩu” các VĐV bóng bàn Trung Quốc đã khiến các sân bóng bàn tràn ngập các tay vợt Trung Quốc. Chuyện VĐV bóng bàn Trung Quốc đầu quân cho một số vùng lãnh thổ, nước láng giềng như Xinhgapo, Đài Loan, Hồng Công (Trung Quốc) từ lâu đã trở nên bình thường. Bây giờ họ “tấn công” cả thế giới. Châu Âu có Thổ Nhĩ Kỳ (với Bora Vang, Melek Hu), Đức (Wu Jiaduo), Croatia (Tian Yuan), Áo (Chen Weixing, Liu Jia, Li Qiangbing), Tây Ban Nha (He Zhi Wen, Shen Yanfei)...; Ở châu Mỹ, đội tuyển Canađa (có Andre Ho, Zhen Wang), Mỹ (Ariel Hsing, Lily Zhang), Áchentina (Liu Song); rồi lan đến tận Cônggô (Han Xing) tại châu Phi.
Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội phiên bản Trung Quốc như Twitter, Weibo bóng bàn được gọi là môn thể thao cô đơn. Lý do là vì Trung Quốc gần như độc chiếm các thứ hạng trong suốt một thời gian quá dài. Nhiều người còn hài hước gọi bộ môn bóng bàn Olympic 2012 như một giải Trung Quốc mở rộng.
Đôi khi, không cần phải nhiều cơ bắp cỡ Venus Williams mới có thể đi xa, mới có thể chứng minh sức mạnh, nhất là tại những kỳ Olympic. Sự xem nhẹ môn thể thao Olympic này đã khiến cho Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác tụt lại phía sau.
Ông Adham Sharara, Chủ tịch Liên đoàn bóng bàn quốc tế (ITTF) cũng phải thừa nhận “Sự lớn mạnh của bóng bàn Trung Quốc ở khía cạnh nào đó đang tàn phá sự phát triển của bộ môn này ở các nước còn lại”.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, sự độc tôn của Trung Quốc trong bóng bàn cũng khiến môn thể thao này không còn nhiều hấp dẫn với những người yêu thể thao. Và trong thể thao, ý nghĩa không đến từ những bộ huy chương mà còn từ tình yêu của người hâm mộ.
Minh Đăng