Phóng thành công Thiên Cung-1, bước đột phá của Trung Quốc

Sự kiện Trung Quốc phóng thành công môđun nghiên cứu vũ trụ Thiên Cung-1 tự chế tạo được một chuyên gia người Nga nhận định là bước đột phá trong lĩnh vực khoa học, kinh tế và chính trị.

Môđun Thiên Cung-1. Ảnh: internet


Ông Andrey Ostrovsky, Phó giám đốc Viện Viễn đông thuộc Viện Khoa học Nga, ngày 30/9 nhận định, sự kiện trên mở đường cho Trung Quốc trở thành nước thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga, đưa vào hoạt động thường xuyên một trạm vũ trụ vào năm 2020.

Theo ông Ostrovsky, sự kiện còn cho thấy Trung Quốc có đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện một dự án vũ trụ quy mô lớn như vậy. Ông nói: “Điều quan trọng là sau đợt phóng Thiên Cung-1, sẽ có đợt phóng Thiên Cung-2 và Thiên Cung-3. Đây không chỉ là một thành tựu mà còn là một chương trình được lên kế hoạch và chuẩn bị nguồn tài chính kỹ càng”.

Tân Hoa xã trích lời bình luận của ông Ostrovsky: “Trung Quốc đã tìm ra bàn tay và khối óc để nhiệm vụ khả thi. Trung Quốc hoàn thành chương trình khám phá vũ trụ với tốc độ đột phá”. Điều đó sẽ tạo ra một thực tế mới và dự án này sẽ cho phép cộng đồng khoa học, kỹ thuật quốc tế thực hiện nhiều thí nghiệm táo bạo hơn như nghiên cứu địa lý, thiên văn học, công nghệ sinh học ở môi trường trọng lực thấp.

Trước đó, ngày 29/9, tên lửa Trường Chinh-2FT1 mang theo môđun Thiên Cung-1 không người lái đã được phóng lên quỹ đạo Trái Đất vào lúc 21 giờ 16 (giờ địa phương) từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền (tây bắc Trung Quốc).

Môđun Thiên Cung-1 nặng 8,5 tấn, dài 10,4m, đường kính tối đa 3,35m, tạo ra một phòng rộng 15 m2 đủ cho hai hoặc ba phi hành gia sống và làm việc. Thiên Cung-1 sẽ bay quanh Trái Đất trong một tháng để đợi tàu vũ trụ không người lái Thần Châu-8 và dự kiến sẽ lắp ghép với nhau lần đầu tiên ở độ cao 340 km từ bề mặt Trái Đất.

Hải Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN