“Lục địa Già” có số ca mắc mới cao hơn hẳn các châu lục khác, với gần 1.900.000 ca, tăng 15% so với một tuần trước, số ca tử cũng tăng 10%. Hội chứng “làn sóng dịch mùa Đông” ở châu Âu khiến các khu vực khác, dù tiếp tục các bước nới lỏng hạn chế để dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, song vẫn phải đề cao cảnh giác, tránh đi vào “vết xe đổ”.
Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã xếp 10 thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Bỉ, Hà Lan, Hy Lạp và các nước Đông Âu vào danh sách "rất đáng lo ngại" về dịch bệnh. 13 trong số 27 nước EU ở Bắc và Tây Âu cũng được coi là “đáng lo ngại”.
Đức, Hy Lạp và Slovakia trải qua ngày có số ca mắc cao chưa từng có; Nga, Bulgaria và Ukraine ghi nhận ngày có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất. Ngoài yếu tố mùa Đông là thời điểm virus dễ lây lan, tỷ lệ bao phủ vaccine không đồng đều, tâm lý “ngại” tiêm chủng và sự chủ quan của người dân được cho là những nguyên nhân chính của làn sóng dịch mới. Các nước châu Âu đang đau đầu tìm giải pháp ứng phó với làn sóng dịch mới. Hà Lan đã tái áp đặt một phần biện pháp phong tỏa, Pháp hoãn việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch vốn như kế hoạch. Bỉ quyết định tiêm bổ sung liều vaccine để tăng cường khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 cho tất cả người dân, trong khi Italy mở rộng đối tượng được tiêm mũi vaccine tăng cường
Trên bình diện khu vực, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/11 đã thông qua hợp đồng thứ tám, mua vaccine của hãng Valneva, bổ sung thêm một lựa chọn khác vào danh mục vaccine được sử dụng tại EU
Tại các khu vực khác, diễn biến tích cực hơn, giúp nhiều nước dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Nhật Bản ngày 7/11 lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong nào kể từ tháng 8/2020. Số ca mắc ở Campuchia trong hơn 40 ngày tính đến 10/11 liên tục giảm, chỉ còn dưới 70 ca/ngày. Mỹ ngày 8/11 đã mở cửa đón du khách quốc tế sau hơn 18 tháng hạn chế. Tuy nhiên, làn sóng dịch nghiêm trọng ở châu Âu cũng khiến các khu vực khác phải cẩn trọng, bởi sự xuất hiện của các ổ dịch mới khi mở cửa trở lại là điều đã được cảnh báo trước do virus liên tục biến đổi với những biến thể “tinh vi hơn”, trong khi mức độ bao phủ vaccine chưa đồng đều và người dân không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. Dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh ở Trung Quốc và Hàn Quốc trong 7 ngày qua là một ví dụ. Giới chức Trung Quốc lo ngại số ca mắc COVID-19 sẽ tăng nhanh vào mùa Đông tới, trong bối cảnh đợt bùng phát dịch mới đã lan ra 21 khu vực cấp tỉnh, tương đương 2/3 quốc gia này, là đợt dịch lây lan rộng nhất sau đợt bùng phát ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019.
Điều đó buộc nhiều nước cũng phải cân nhắc khi nới lỏng hạn chế phòng dịch. Thái Lan đã hoãn kế hoạch mở cửa các địa điểm giải trí ban đêm cho tới ít nhất là giữa tháng 1/2022. Indonesia tiếp tục kéo dài lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng bên ngoài hai hòn đảo Java và Bali đông dân thêm hai tuần, từ ngày 9/11. Campuchia đóng cửa tất cả các trường mẫu giáo trên cả nước vì trẻ em dưới 5 tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Các nước cũng đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, bởi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Theo thống kê của New York Times, tính đến ngày 12/11, tổng cộng 4,05 tỷ người trên thế giới đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tương đương 52,8% dân số thế giới. Hơn 7,4 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu. Tính đến nay đã có 44 quốc gia triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng…. Ngoài ra, hiện hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, đang đẩy mạnh tiêm phòng cho trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Các nỗ lực kiểm soát dịch bằng vaccine tiếp tục có thêm những bước tiến mới, hứa hẹn giúp đẩy nhanh tốc độ đạt miễn dịch cộng đồng cho thế giới. Ngày 9/11, trưởng nhóm khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan đã đề cập triển vọng phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai, nhất là dạng xịt mũi và dạng uống. Hai loại vaccine này có thể tạo bước ngoặt trong chiến dịch bao phủ vaccine ngừa COVID-19 bởi chúng dễ đưa vào cơ thể hơn vaccine dạng tiêm. Nếu được phát triển thành công, những vấn đề như thiếu nhân lực hay thiếu phương tiện, như WHO cảnh báo nguy cơ thiếu 2 tỷ ống tiêm phục vụ chương trình tiêm phòng COVID-19 vào năm 2022, sẽ được giải quyết.
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại thuốc điều trị cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu những tác động của virus SARS-CoV-2, để con người có thể sống chung an toàn với COVID-19. Ông Paul Schaper, Giám đốc điều hành chính sách công toàn cầu của hãng dược phẩm Mỹ Merck&Co, nhấn mạnh dù vaccine được coi là “tấm khiên” để phòng chống đại dịch COVID-19, nhưng vẫn cần thuốc điều trị và yếu tố này thậm chí còn đóng vai trò quan trọng hơn nữa ở những khu vực có tỷ lệ tiêm phòng thấp do thiếu nguồn cung vaccine.
Molnupiravir do Merck&Co đồng phát triển với hãng dược phẩm Ridgeback Biotherapeutics của Mỹ là một trong những loại thuốc điều trị COVID-19 được quan tâm nhất hiện nay. Kết quả thử nghiệm cho thấy, thuốc giúp giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong, đồng thời có hiệu quả với các biến thể như Gamma, Delta và Mu. , Việc cấp phát Molnupiravir cho bệnh nhân nhẹ tự điều trị ban đầu tại nhà có thể sẽ giảm áp lực cho các bệnh viện vốn đã quá tải trong thời gian số ca mắc tăng vọt, đồng thời giúp các bệnh nhân an tâm điều trị, tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách phòng chống COVID-19.
Trên thực tế, Merck &Co đã xúc tiến chiến lược phân phối Molnupiravir kể từ tháng 7/2020, trước khi hiệu quả của thuốc được công bố vào tháng 10/2021. Công ty này dự kiến sản xuất được khoảng 10 triệu liệu trình thuốc vào cuối năm nay và ít nhất là 20 triệu liệu trình vào năm 2022.
Mỹ, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc, Australia… cũng đã xúc tiến đàm phán để đặt các hợp đồng đặt mua thuốc Molnupiravir. Ngày 9/11, Chính phủ Mỹ thông báo sẽ chi thêm 1 tỷ USD để mua Molnupiravir, sau khi đã chi 1,2 tỷ USD mua 1,7 triệu liệu trình thuốc này. Chính phủ Nhật Bản cũng duyệt chi khoảng 1,2 tỷ USD để mua khoảng 1,6 triệu liệu trình Molnupiravir.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cho phép triển khai chương trình sử dụng có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trên cả nước.
Tuy nhiên, cũng giống như vaccine ngừa COVID-19, thuốc điều trị chỉ đem lại hiệu quả cho cả thế giới khi được phân phối một cách công bằng, đồng đều, để không khu vực hay quốc gia nào là “vùng trũng”. Trong tuần qua, hãng dược phẩm Merck&Co đã cam kết đảm bảo phân phối công bằng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 cho các nước nghèo cũng như nước giàu. Một trong những nỗ lực của Merck&Co để ngăn ngừa khả năng xảy ra thiếu công bằng trong phân phối thuốc Molnupiravir là việc ký thỏa thuận với hơn 100 quốc gia đang phát triển. Thỏa thuận này nếu thành công sẽ là chìa khóa để Molnupiravir tạo ra sự khác biệt trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc chủ động lên kế hoạch và một lộ trình sản xuất loại thuốc này cũng sẽ góp phần tránh tình trạng phân phối thiếu công bằng, như đã xảy ra đối với vaccine thời gian qua. Có thể nói, dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường đang khiến cả thế giới phải cẩn trọng, cảnh giác và luôn rút ra những bài học cần thiết để tránh đi vào những “vết xe đổ”.