Hàng loạt cán bộ các cấp bị xử lý, bị phạt tù do những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh lòng tham của một số quan chức có thẩm quyền.
Vì sao đất đai lại thành "miếng mồi ngon" và lỗ hổng nào, "ma lực" nào đã thúc đẩy họ "nhúng chàm"? Làm thế nào để ngăn chặn những lòng tham vô đáy?
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa mới đây vừa ban hành cáo trạng truy tố và đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử 7 cựu quan chức tỉnh này cùng về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" trong quá trình chỉ đạo, cho triển khai 2 dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) giai đoạn 2012-2015, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Trong 7 bị can có 2 cựu Chủ tịch tỉnh, 1 cựu Phó Chủ tịch tỉnh và các đồng phạm.
Cơ quan tố tụng xác định, hàng trăm héc-ta đất của hai dự án này theo quy hoạch là đất trồng rừng sản xuất, đất đồi núi chưa sử dụng nhưng lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành liên quan đã hô "biến" một phần thành đất thương mại, đất ở lâu dài và đất phi nông nghiệp. Việc làm này là trái quy hoạch sử dụng đất, vi phạm pháp luật, vi phạm Luật Đất đai, các nghị định của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thu tiền sử dụng đất…
Đáng nói, 7 cán bộ của Khánh Hòa "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" không phải là cá biệt trong thời gian gần đây. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong quản lý, sử dụng đất dường như có xu hướng gia tăng. Hàng loạt cán bộ đã về hưu hoặc đương nhiệm ở Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh… đã bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam do sai phạm trong lĩnh vực này. Nhiều tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang bị truy tố, bị thi hành kỷ luật cũng bởi vi phạm quy định về Luật Đất đai.
Nhìn lại những vụ truy tố, xét xử các cán bộ sai phạm, đặc biệt là qua những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, thấy một số vấn đề đáng quan ngại. Sai phạm trong lĩnh vực đất đai không đơn lẻ mà xảy ra trên diện rộng và liên quan đến nhiều địa phương và một số bộ, ngành. Trong sự "nhúng chàm" của những cán bộ có thẩm quyền, nhất là khi thâu tóm đất có giá trị thương mại cao, thấy bóng dáng của sự "cộng sinh" với tư nhân, doanh nghiệp. Có thể kể tới như những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm với nhiều cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh bị đề nghị xem xét kỷ luật. Vụ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh này có nhiều sai phạm để "đất vàng" rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại tài sản nhà nước cả ngàn tỉ đồng...
Không khó để nhận thấy, những nhóm lợi ích này thâu tóm đất đai, nhất là "đất vàng" bằng nhiều cách thức khác nhau. Phổ biến là cho lập dự án công trình phúc lợi xã hội rồi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội và vì lợi ích công cộng. Bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất theo khung đền bù của Nhà nước với mức giá thấp, sau đó sửa quy hoạch để cho tư nhân, doanh nghiệp vào phân lô, bán nền với giá cao. Hoặc cho lập quy hoạch di dời các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp của Nhà nước ở trung tâm đô thị ra ngoại vi thành phố rồi thu hồi các khu đất vàng để xây trung tâm thương mại, khu đô thị. Mức đền bù cũng thường rất thấp, còn khi bán có giá rất cao…
Vì sao những nhóm lợi ích này có nhiều cách thâu tóm đất đai như vậy?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại bất cập. Một số "lỗ hổng" trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã để cho các nhóm lợi ích thao túng, lợi dụng để chiếm đoạt, làm giàu bất chính. Bên cạnh đó còn "lỗ hổng" trong kiểm soát quyền lực, nhiều người được giao quản lý đất đã tự ý thu hồi đất, cấp đất, giao đất, bán đất. Tình trạng này xảy ra ở không ít địa phương trên cả nước.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, thời gian qua Luật Đất đai đã nhiều lần được sửa đổi. Gần nhất là Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế và tới đây, nhiều nội dung của Luật sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung.
Định hướng khi xây dựng Luật là đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thế nhưng thực tế là những nhóm lợi ích đã lợi dụng Luật Đất đai vào mục đích chiếm đoạt, làm giàu bất chính bằng những thủ đoạn, mánh lới là mệnh danh quyền quản lý, quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai, nhất là lợi dụng quy định về thu hồi đất. Chính sách về quản lý đất đai phải phù hợp với thực tế để làm sao hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước-người dân và doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn tận gốc rễ những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất hiện nay - Luật sư Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh.