Hiện nay, tình trạng vi phạm lâm luật ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) ngày càng gia tăng, không những làm suy giảm tài nguyên rừng mà các loài động vật quý hiếm ngày thêm cạn kiệt.
Một cây gỗ hương đại thụ bị lâm tặc cưa đổ trong vùng rừng của huyện Krông Pa, cách Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô chỉ vài trăm mét. Ảnh: sonongnghiepdaklak.gov.vn |
Ông Lê Đắc Ý - Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn đã phát hiện, xử lý trên 100 vụ vi phạm lâm luật, với 135 đối tượng, chủ yếu là khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái phép để sản xuất nông nghiệp. Tại tiểu khu 632, nhiều hộ dân di cư đến ngoài kế hoạch đã ngang nhiên vào sâu trong rừng chiếm hàng chục ha đất rừng trái phép để làm nương rẫy, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các hộ Vàng A Tả, Sùng Thị Mo, Vàng Thị Ca đã lấn chiếm trên 22.759 mét vuông để sản xuất nông nghiệp. Tại tiểu khu 619, các đối tượng di cư đến ngoài kế hoạch còn sử dụng cưa máy khai thác trái phép, gây thiệt hại lên đến hàng chục mét khối gỗ hương...
Lưc lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng tháo dỡ, phá hủy, xử lý trên 500 bẫy thú các loại. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng đi săn thú còn chủ động đốt cháy trên 8 ha rừng tự nhiên, rừng trồng tại tiểu khu 634 để làm đường đi và bãi săn thú.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức họp thôn, buôn vùng đệm, vùng lân cận tuyên truyền, phát tờ rơi, ký kết giao ước không vi phạm các quy chế quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do địa bàn rộng lại giáp ranh nhiều địa phương, nhiều tỉnh (Gia Lai, Phú Yên) nên việc phối hợp giữa các lực lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa được thường xuyên, chưa quyết liệt.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nằm trên địa bàn huyện Ea Kar (Đắk Lắk) có diện tích 26.848 ha, được thành lập từ năm 1999, với mục tiêu là bảo tồn nguyên vẹn sinh cảnh tự nhiên, độc đáo của hệ sinh thái rừng trong khu vực chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ. Đây cũng là nơi có nhiều nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu, qúy hiếm, nhất là các loài thú móng guốc cỡ lớn đặc biệt quý hiếm phân bố tập trung nhất ở Việt Nam như bò rừng, bò tót...cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.
Quang Huy