Trong mục bình luận của tờ Thời báo Tài chính (Anh) số ra ngày 21/3, tác giả Ian Bremmer đã giải thích vì sao châu Âu nên lưu ý rằng Hy Lạp có thể thay thế Xyri trở thành người bạn của Nga ở khu vực Địa Trung Hải.
Cảng Tartus của Xyri ở Địa Trung Hải. Ảnh: Internet |
Xyri là đối tác thương mại đáng tin cậy nhất của Nga ở Trung Đông. Trên thực tế, Tổng thống Xyri Bashar al-Assad - cũng giống như cha của ông - đã mua hầu hết các thiết bị quân sự của Nga và nợ Nga một khoản tiền đáng kể. Nga đã xóa khoảng 75% số nợ đó năm 2006, đổi lại, Nga được sử dụng các cảng Latakia và Tartus của Xyri ở Địa Trung Hải. Đối với Nga, việc tiếp cận các cảng ở Địa Trung Hải có giá trị chiến lược đáng kể.
Chính phủ Nga đã đầu tư rất nhiều trong kế hoạch dài hạn cho cả hai cảng biển này, sử dụng Latakia làm căn cứ tàu ngầm và hy vọng sẽ có thêm địa điểm và năng lực quân sự qua việc sử dụng cảng Tartus cho tàu tuần tiễu có trang bị tên lửa. Rõ ràng, Nga lo sợ rằng nếu mất đồng minh Assad, điều đó đồng nghĩa với việc Nga mất đi các cảng biển có giá trị ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, hiện giờ khi chế độ của Tổng thống Assad ngày càng bị cô lập và chỉ còn tính bằng ngày, thì một chính phủ trong tương lai ở Xyri có thể không thuận theo Mátxcơva.
Vậy đâu là nơi Nga sẽ nhắm đến để duy trì một cảng biển ở Địa Trung Hải cho lực lượng hải quân của mình? Liệu có phải là Hy Lạp? Các chính trị gia ở Đức và các nước chủ chốt khác trong Liên minh châu Âu (EU) nên ghi nhớ điều này. Hy Lạp rất cần một nguồn thu dài hạn và ổn định. Người dân của nước này đang tự hỏi: Làm thế nào để Hy Lạp phát triển kinh tế một cách lành mạnh, trong khi phải thực hiện những chính sách "thắt lưng buộc bụng" theo quy định của Brúcxen và Đức? Còn những người ngoài cuộc đang tự hỏi: Vậy Hy Lạp có gì để "rao bán"?
Khi các nhà đầu tư phương Tây rút khỏi Hy Lạp thì các tập đoàn nhà nước của Nga và Trung Quốc lao vào tìm kiếm các hợp đồng với giá hời. Người Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào cảng Piraeus của Hy Lạp trong một thỏa thuận có thời hạn 35 năm, với giá trị lên đến 5 tỷ USD cho công ty vận tải đường thủy nhà nước Cosco. Còn Gazprom, công ty độc quyền về khí đốt của Nga, được cho là đang để mắt đến việc cổ phần hóa công ty khí đốt Depa và tập đoàn vận hành lưới điện Desfa của Hy Lạp.
Một hợp đồng có thời hạn từ 30 đến 50 năm, cho phép hải quân Nga có quyền đóng tại cảng Piraeus, có thể sẽ có ý nghĩa đối với cả Nga lẫn Hy Lạp. Thỏa thuận như vậy có thể mang lại cho Chính phủ Hy Lạp một khoản tiền lên tới 200 tỷ USD.
Tổng thống Lucas Papademos và chính phủ kỹ trị của ông sẽ khó thực hiện một thỏa thuận như vậy, một phần vì các đồng minh NATO của Hy Lạp sẽ phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, một chính phủ liên minh trong tương lai - do Đảng Dân chủ mới lãnh đạo - sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn của chủ nghĩa dân túy để tăng nguồn tiền và đáp ứng các yêu cầu kinh tế và chính trị từ Béclin và Brúcxen. Đây sẽ là nhân tố khiến mọi việc có thể thay đổi.
Theo thời gian, những ảnh hưởng lâu dài của các chính sách thắt lưng buộc bụng về kinh tế của Hy Lạp, sự oán giận của công chúng đối với Đức và các tổ chức của EU có thể dẫn đến sự thay đổi về các điều khoản của các phiên họp, cả ở Hy Lạp và châu Âu. Tác giả Ian Bremmer nói: "Đó chính là lý do vì sao châu Âu nên lưu ý điều này. Sẽ có lúc Hy Lạp đưa ra nhiều phương án lựa chọn hơn là chúng ta tưởng".
TTK