Độc giả thế giới ngộp thở vì 'bơi’ trong biển tin COVID-19

Lượng tin tức tăng vọt từ khi dịch COVID-19 bắt đầu cho tới nay đã khiến một số độc giả “ngộp thở”, bắt đầu thấy nhàm chán, và họ đang tìm cách thoát khỏi luồng tin chủ đạo này của toàn thế giới.

Quá tải tin tức

Chú thích ảnh
Nhiều người bị quá tải tin tức dịch bệnh. Ảnh: Reuters

Theo kênh BBC (Anh), nhiều người liên tục nhận thông báo về tin COVID-19 trên điện thoại. Các chương trình tin tức đặc biệt và cuộc tranh luận về dịch bệnh chiếm chỗ các chương trình thể thao, giải trí yêu thích.

Ứng dụng WhatsApp và Messenger đầy các bài báo COVID-19 mà người quen vừa chia sẻ. Số lượng báo in ngày đang giảm, dù vậy lượng thông tin về dịch COVID-19 cũng chiếm hầu hết diện tích mặt báo.

Nếu lượng tiếp nhận tin tức hàng ngày của chúng ta được tính ra calo thì nhiều người đã tăng cân đáng kể trong những tuần gần đây.

Lượng truy cập vào các trang tin tức trên toàn thế giới tăng vọt khi COVID-19 lan ra toàn cầu hồi tháng 3. Các đài truyền hình, phát thanh cũng có lượng người xem kỷ lục, đặc biệt là khán giả trẻ - những người thường bỏ qua bản tin tối hàng ngày. Nhưng khi cuộc khủng hoảng kéo dài, một số người muốn có “món ăn” tin tức khác.

Parul Ghosh, nữ doanh nhân 32 tuổi người Ấn Độ sống ở Thụy Điển, nói: “Rất dễ mất phương hướng trên Internet khi cứ tin này lại nối tới tin khác. Tôi hoàn toàn bị choáng ngợp một thời gian và tôi phải dừng lại”. Ghosh cho biết cô dán mắt vào trang tin tức, kênh TV nhiều hơn bình thường và cũng tìm cách tìm hiểu thông tin về các chiến lược chống dịch bệnh.

Ghosh cho biết gia đình cô ở Ấn Độ đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, còn cô ở Thụy Điển được tự do hơn nhiều. Cô nói: “Tôi căng thẳng vì liên tục so sánh những thứ ở hai nơi. Tôi liên tục lo lắng cho bố mẹ già và không biết bao giờ có thể về thăm họ”.

Còn Kris Clancy 33 tuổi ở Victoria (Australia) nói: “Về mặt tâm thần thì lượng tin tức này hơi quá tải”. Clancy là người nghiện tin tức từ khi chưa có đại dịch. Anh theo dõi nhiều chương trình và các nhà báo trên Twitter nhưng tới nay cũng phải thay đổi. Anh nói: “Từ khi có COVID-19, tôi phải giảm xuống, chỉ xem một chương trình mỗi tuần và theo dõi ít họp báo hơn”.

Số liệu cho thấy Ghosh và Clancy là hai trong số nhiều người đang tìm cách giảm theo dõi tin tức về COVID-19. Lượng khán giả với các chương trình tin tức trên truyền hình vẫn cao hơn thường lệ ở nhiều nước, nhưng mức độ quan tâm của khán giả (rating) ở một số nơi bắt đầu giảm.

Ở Anh, chương trình tin tức có số khán giả thấp nhất kể từ khi Anh bước vào thời kỳ phong tỏa. 

Nhiều chương trình giải trí đang len lỏi trở lại các bảng xếp hạng chương trình ăn khách nhất Australia.

Phòng thí nghiệm Báo chí Nieman thuộc Đại học Harvard gần đây cho biết luồng truy cập tin tức ở cả Mỹ và khắp thế giới giảm lại về mức độ trước đại dịch.

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew cuối tháng 4 cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có 7 người cho biết cần phải nghỉ đọc tin tức về COVID-19. Cứ 10 người thì có 4 người cho biết họ cảm thấy tệ hơn khi theo dõi tin tức.

Ông Ulrik Haagerup, cựu biên tập viên tin tức Đan Mạch, nói: “Trong thời điểm khủng hoảng, mọi người thực sự hiểu là cần có báo chí nhưng họ đang quá tải vì về cơ bản, không có gì ngoài tin tức về Corona. Tất nhiên, đó là tin tức lớn nhưng thực tế tâm lý cho thấy quá tải dẫn tới việc mọi người lại quay về với con mèo và phim Netflix”.

Mặt trái của tin tiêu cực

Chú thích ảnh
Một người đọc báo ở Guatemala. Ảnh: AP

Các nhà liệu pháp cho rằng đang có hai xu hướng chính. Xu hướng thứ nhất là cảm giác “mệt mỏi vì Corona” chung chung, trong đó nhiều người chán tình hình hiện tại.

Dù hàng loạt tin tức xuất hiện về đại dịch nhưng lại thiếu thông tin về các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài bao lâu và cuộc sống tương lai của mọi người sẽ thế nào. Theo ông John-Paul Davies, nhà liệu pháp tâm lý ở London và là phát ngôn viên Hội đồng Liệu pháp Tâm lý Anh, điều này có tác động tiêu cực với độc giả.

Xu hướng thứ hai là dòng tin bất tận có thể khiến những người vốn đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần, cảm xúc thêm lo lắng và trầm cảm. Ông Davies giải thích: Ví dụ, những người dễ lo âu có thể đọc một bài báo về nền kinh tế và họ nghĩ tới kịch bản tồi tệ nhất với triển vọng thu nhập của bản thân. Họ có thể nghĩ mình sắp mất việc, mất thu nhập, không thể nuôi sống bản thân và rồi sẽ mất nhà. Những người này có thể dễ cảm nhận nỗi đau của những người đã chết hoặc mất người thân vì COVID-19. Hệ quả của việc đưa quá nhiều tin tiêu cực về COVID-19 là rõ ràng, ít nhất là khiến công chúng dễ hoang mang.

Tuy nhiên, ngừng xem tin tức không phải là việc dễ với nhóm người mắc chứng lo âu vì họ lại bị thôi thúc cập nhật và kiểm tra thông tin để cố gắng giảm lo lắng. Với một số người bị trầm cảm, họ có thể ngừng đọc tin tức và thờ ơ sau khi xem quá nhiều thông tin về dịch bệnh. Sau đó, họ có thể chuyển chú ý sang những thứ khác như uống rượu hoặc ăn quá nhiều.

Có một số lượng người đáng kể ở trong tình huống phải liên tục tiếp nhận vòng xoáy thông tin dịch bệnh hơn bình thường vì lý do nghề nghiệp. Nhà báo, chuyên gia truyền thông, quan chức chính phủ, bác sĩ, nhà khoa học, các nhà sản xuất chất khử trùng… là một số người phải liên tục cập nhật bình luận, xu hướng, dữ liệu, thông tin dịch bệnh mà họ chưa từng trải qua trước đây. 

Nhà báo tự do ở Tây Ban Nha Lorraine Allen Derosa nói: “Tôi là nhà báo và tôi gặp khó khăn khi ngủ vì quá tải thông tin, nhưng tôi không thể thoát khỏi vì tôi làm trong lĩnh vực báo chí”.

Làm thế nào để cân bằng

Chú thích ảnh
Cần giảm liều lượng thông tin tiếp nhận khi thấy mệt mỏi, lo âu hơn. Ảnh: Reuters

Vậy làm sao có thể cân bằng nhu cầu cập nhật thông tin mà vẫn tránh được cảm giác mệt mỏi, lo lắng?

Ông Davies cho rằng với phần lớn mọi người, kiểm tra tin tức một lần một ngày là hợp lý. Có thể đọc tin qua báo giấy, báo mạng hoặc thông báo của chính phủ. Nếu người nào có mức độ lo lắng cao hơn, họ có thể giảm tần suất xuống một lần/tuần. Điều quan trọng là cần chọn trang tin hoặc đài truyền hình đáng tin cậy để tập trung vào thông tin, thay vì phỏng đoán và nhất là tránh được các thông tin kiểu tin giả (fakenews) vốn rất nguy hiểm.

Bà Liz Martin, nhà liệu pháp ở London, đang có nhiều khách hàng riêng muốn điều chỉnh tình trạng lo âu trong đại dịch COVID-19 và một số tù nhân không thể đón người thân, bạn bè tới thăm do dịch bệnh. Bà khuyên những người cảm thấy quá căng thẳng khi đọc nhiều tin tức dịch bệnh nên nói chuyện với những người ít bị ảnh hưởng bởi thông tin, miễn là họ cũng đọc nguồn tin đáng tin cậy.

Với những người mà công việc liên quan dịch bệnh, các nhà liệu pháp thừa nhận rằng việc giảm liều lượng tiếp nhận thông tin khó hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ông Davies cho rằng họ vẫn cần nỗ lực đặt giới hạn cho lượng thông tin tiếp nhận và dành thời gian thêm cho nghỉ ngơi, thư giãn. 

Cô Paral Ghosh cho biết cô đã xử lý tốt tình trạng mệt mỏi do tin tức COVID-19 bằng cách theo dõi thông báo tin tức trên điện thoại nhưng tránh lướt tin trên mạng hoặc nghe bản tin trên TV, đồng thời nhờ người thân cập nhật diễn biến quan trọng. Cô cũng tắt một số nhóm trên mạng xã hội và giải thích lý do với bạn bè. Cô nhận thấy mình tập trung hơn và làm việc hiệu quả hơn. Nhờ giảm thời gian đọc tin mà cô có thêm thời gian cho các thú vui thư giãn như đọc sách.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhiều nước châu Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao
Nhiều nước châu Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn số liệu thống kê ngày 6/5 cho biết, ngoại trừ Ai Cập và Nam Phi là hai nước có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất châu Phi, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal... cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể trong trong nhiều ngày qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN