Chuyên gia Mỹ đánh giá quan hệ với Nga sau vụ MH17

Nếu có một điều gì đó mà các chuyên gia, cố vấn Mỹ đồng ý thì đó là chính sách của Mỹ đối với Nga và liên minh Á-Âu phải thay đổi sau thảm họa máy bay MH17.

Trong nhiều tháng qua, các nhà quan sát về Nga đã tiến hành phân tích một loạt các sự kiện tại Ukraine, bắt đầu với cuộc biểu tình Maidan ở Kiev và việc Nga sáp nhập Crimea. Sau đó, họ cho rằng Nga can thiệp vào khu vực Đông Ukraine và có vẻ như tổng thống Nga Vladimir Putin đang chuyển những ưu tiên địa chính trị của mình từ châu Âu sang châu Á, bằng chứng là việc Nga ký hợp đồng cung cấp khí đốt với Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17.


Sau thảm họa rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia, giới chuyên gia Mỹ hiện đang thảo luận về một sự cân nhắc toàn diện trong chính sách của Washington đối với Nga cũng như với liên minh Á-Âu, cũng như đang cố gắng để suy đoán về những bước đi tiềm năng và phương thức đối phó của Moskva.

Thảm họa toàn cầu

Trong khi giới chuyên gia Mỹ hoài nghi về việc cuộc khủng hoảng Ukraine có thể sẽ “giảm nhiệt”, thì thảm họa MH17 như đổ thêm “dầu vào lửa” ở miền đông Ukraine và đưa cuộc khủng hoảng này lan ra phạm vi toàn cầu.

Trước tình hình đó, các chuyên gia, cố vấn Mỹ hiện đang kêu gọi các bên liên quan hãy “thức tỉnh”. Tổng thống Putin đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng bằng mọi giá và bảo đảm rằng thảm họa quốc tế đó sẽ không kết thúc trong im lặng. Nhưng liệu đó có phải là phản ứng thống nhất cuối cùng của Mỹ. Một mặt, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) và quỹ CEIP cho rằng tránh "phán quyết dồn dập” và tránh “phán đoán trước” kết luận điều tra. CSIS đưa ra một giải pháp thay thế cho biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của phương Tây khi kêu gọi “ngoại giao khẩn cấp” với Nga nhằm hạ nhiệt tình trạng căng thẳng, và CEIP thì nhấn mạnh nhu cầu về một “lệnh ngừng bắn” tại Ukraine trước khi có những bước tiếp theo. Tuy nhiên, cả hai tổ chức trên đều đưa ra một cách tiếp cận thận trọng với tình hình.

Mặt khác, các chuyên gia Mỹ tại Viện Brooking và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) lại cho rằng lực lượng ly khai Ukraine đã “nhầm lẫn” và có thể “đã bắn hạ” MH17. Nhưng cả hai nhóm chuyên gia, cố vấn này đều muốn một một giả pháp táo bạo hơn so với những gì mà CSIS và CEIP đưa ra.

Trong khi đó, Viện nghiên cứu RAND Corporation nhận định tất cả có lẽ vẫn còn là “một điều bí ẩn” và  MH17 có thể cuối cùng giống như chiếc máy bay mang số hiệu MH370, biến mất trên bầu trời Nam Á. Đó có thể là một kết luận bất đắc dĩ nhưng căn cứ vào thực tế hiện nay và những tiền lệ trước đó, luận điểm trên có vẻ hợp lý.

Bất chấp việc thiếu sự thống nhất, các chuyên gia, cố vấn Mỹ vẫn đồng ý rằng các chính sách của Washington sắp tới nên rõ nét hơn, do đó có thể thúc đẩy những nỗ lực nhằm xem xét lại chính sách của Mỹ đối với Nga và liên minh Á Âu.

Chính sách của Washington đối với Moskva


Những cố vấn hàng đầu của Mỹ bày tỏ quan điểm tương tự bằng cách khác nhau: “tư duy tổng bằng không”, “mô hình mới”, “thực tế nhiều sắc thái”, “trọng tâm đã chuyển khỏi phương Tây”, “tái cân bằng mới”. Nhưng thông điệp thì vẫn vậy, đó là chính sách của Mỹ đối với Nga và liên minh Á - Âu cần phải thay đổi.

Luận điểm thứ nhất ủng hộ cho quan điểm trên cho rằng Nga và Trung Quốc đang tăng cường mối quan hệ song phương. Theo một chuyên gia tại CEIP, rõ ràng Nga đang thực hiện chính sách “hướng Đông”, bằng chứng là việc Moskva đã ký một thỏa thuận năng lượng khổng lồ với Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD, tham gia diễn tập hải quân chung, và tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc. Một học giả khác tại Viện Brooking thì nhấn mạnh xu hướng hiện nay rằng nhu cầu năng lượng toàn cầu đã dịch chuyển sang châu Á. Dựa vào những luận cứ đó, Mỹ nên xem xét lại những chính sách của mình đối với Nga và liên minh Á - Âu.

Lãnh đạo EU quyết định tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga do những động thái của Moskva trong việc ổn định khủng hoảng ở Ukraine là "chưa đủ". Ảnh: AFP-TTXVN


Tuy nhiên, lý do căn bản đằng sau nhu cầu cần thiết phải xem xét lại chính sách của Washington đối với Nga và liên minh Á - Âu là việc "tăng cường" cho một Ukraine đang rơi vào tình thế hỗn loạn trong khi vẫn tham gia một cách tỉnh táo vào những diễn biến trong khu vực - đặc biệt sau vụ máy bay MH17 rơi tại miền đông Ukraine. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ tiếp tục khiến cho Nga và phương Tây đối đầu với nhau và vì vậy nó đòi hỏi một sự “tái cân bằng” trong con mắt của các chuyên gia Mỹ.

Thảm kịch MH17 đã châm ngòi cho hầu hết các xung đột về lợi ích giữa Nga và phương Tây gần đây, đồng thời đưa ra ý niệm về một quan điểm mới của Mỹ nhằm tránh “tư duy tổng bằng không”.

Việc tránh “tư duy tổng bằng không” dường như là giải pháp mới nhất của Mỹ với một cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng tại Ukraine. Và mặc dù rất khó để Mỹ có thể "thông cảm" với Nga (và ngược lại), thì các chuyên gia Mỹ đang "thông cảm" với hoàn cảnh của Ukraine, và vì vậy đang đưa ra một quan điểm thực dụng với tình hình.

Chiến tranh Lạnh mới?


Theo giới chuyên gia, mối quan hệ Nga-Mỹ đang suy giảm xuống mức thấp chưa từng có trong hơn một thập kỷ qua, song chưa đủ để đẩy thế giới lao vào một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Ukraine đe dọa leo thang với việc Mỹ cáo buộc Nga bắn pháo vào lãnh thổ của Ukraine, các phương tiện truyền thông của Mỹ đang so sánh mối quan hệ "đóng băng" hiện nay giữa Washington và Moskva với một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự so sánh này chẳng qua chỉ là cách nói cường điệu của giới báo chí, bởi những căng thẳng giữa Nga và Mỹ hiện nay không hề giống như thời Chiến tranh Lạnh, vốn bao trùm lên toàn cầu suốt nhiều thập kỷ và gây ra những lo ngại về sự hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân.

Nhà phân tích chính sách quốc tế cấp cao thuộc Tập đoàn RAND, bà Olga Oliker, nói: "Đó là một tựa đề hấp dẫn song không phải là sự phản ánh chính xác cả về Chiến tranh Lạnh cũng như về những gì chúng ta đang chứng kiến hôm nay. Chiến tranh Lạnh là một cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ, trong đó Mỹ và Liên bang Xô viết về cơ bản tranh nhau quyền quyết định vận mệnh thế giới. Cuộc chiến đó liên đới tới toàn bộ thế giới". Bà nói thêm rằng tình hình hiện nay còn xa mới giống trang sử đen tối đó của thế giới, đồng thời nhấn mạnh: "Vấn đề là Nga và Mỹ không đồng thuận với nhau về một điều nào đó đang diễn ra trong lòng châu Âu. Nó không phải là một sự bế tắc toàn cầu. Nó sẽ không ảnh hưởng tới toàn bộ chính sách đối ngoại và chi phí quốc phòng của Mỹ và Nga".

Tuy nhiên, bà Oliker cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine đồng nghĩa với một sự bất đồng cơ bản và nghiêm trọng giữa Washington và Moskva, và Nga đang thách thức quan điểm về an ninh châu Âu mà Mỹ và các đồng minh châu Âu của nước này đã duy trì kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nhằm thể hiện sự tức giận của mình trước cái mà họ cho là sự phá vỡ quan điểm đó, Mỹ và Liên minh châu Âu từ đầu tháng này đã đưa ra một loạt lệnh trừng phạt mới đối với Moskva. Tổng thống Putin đã gọi các lệnh trừng phạt nhằm vào các ngân hàng, các công ty năng lượng và quốc phòng của Nga là "chính sách đối ngoại hiếu chiến". Ông kêu gọi Mỹ hành động nhằm ngăn chặn sự đổ máu ở Ukraine thay vì chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này được cho là không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng, và Nhà Trắng xem ra có quá ít giải pháp cụ thể. Bà Oliker nhận xét về các lựa chọn có thể có của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama: "Đây là một tình huống khó khăn bởi không có nhiều hành động dễ dàng và vừa ý mà người ta có thể làm. Chính quyền ông Obama tiếp tục phải cân nhắc các lựa chọn của mình".


Vũ Thanh (Tổng hợp)

Nga có thể sớm cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU và Mỹ
Nga có thể sớm cấm nhập khẩu thực phẩm từ EU và Mỹ

Nga có thể sớm áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một số loại trái cây từ Liên minh châu Âu (EU) và thịt gà từ Mỹ, trong bối cảnh EU cân nhắc mở rộng các biện pháp trừng phạt "mạnh tay" hơn với Moskva liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN