Việc phát triển “nóng” của ngành hàng không dự báo sẽ kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải phát triển tương ứng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.
Thưa Thứ trưởng, sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân đã dẫn đến việc nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành hàng không tăng cao, Thứ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Phải khẳng định rằng, sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân mới trong thời gian qua đã làm gia tăng mức độ cạnh tranh tại thị trường hàng không Việt Nam. Bên cạnh đó, còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ đối với hoạt động vận chuyển hàng không và giúp người dân được hưởng lợi với các lựa chọn về dịch vụ vận chuyển hàng không và dịch vụ đi kèm.
Mặt khác, sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân trong bối cảnh hiện nay đã dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành hàng không tăng cao, đặc biệt là đội ngũ phi công, nhân viên kỹ thuật và tiếp viên hàng không...
Có thể thấy rằng, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng hoạt động khai thác và phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không là tất yếu, nhằm đảm bảo hoạt động khai thác cũng như tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn hàng không.
Theo đó, nhu cầu nguồn nhân lực của ngành hàng không tăng cao có thể dẫn đến sự chuyển dịch một phần nguồn nhân lực có năng lực, kinh nghiệm quản lý, điều hành; nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động khai thác, bảo dưỡng (người lái tàu bay, nhân viên kỹ thuật tàu bay… giữa các hãng hàng không trong nước.
Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước không đáp ứng đủ về số lượng dẫn đến phải tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực nước ngoài để đáp ứng nhu cầu hoạt động.
Vì vậy, các hãng hàng không cần xây dựng bộ máy tổ chức để tự huấn luyện, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động hàng không.
Dư luận có lo ngại về tình trạng cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đặc biệt là đội ngũ phi công. Vậy Bộ Giao thông Vận tải có những giải pháp nào để quản lý hiệu quả vấn đề này, thưa Thứ trưởng?
Thực tế cho thấy, hoạt động tuyển dụng, chuyển đổi đội ngũ phi công từ hãng hàng không này sang hãng hàng không khác là chuyện bình thường của hàng không thế giới nói chung và ngành hàng không Việt Nam nói riêng. Trong phạm vi hoạt động khai thác tàu bay tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực tăng cao có thể dẫn đến chuyển dịch đội ngũ phi công, giáo viên huấn luyện bay từ hãng này sang hãng khác dẫn đến các nguy cơ thiếu hụt nguồn lực đảm bảo lịch trình hoạt động khai thác thương mại của các hãng.
Theo đó, quan điểm chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải là trong bất cứ tình hình nào, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không; đảm bảo hoạt động hàng không được cạnh tranh một cách lành mạnh; đảm bảo chuyển dịch cơ cấu, nguồn lực lao động đúng pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, để đảm bảo và duy trì được nguồn lực chất lượng cao, các hãng hàng không cần có các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp đối với người lao động.
Nhằm quản lý hiệu quả vấn đề nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật cao và đảm bảo các hãng hàng không có đủ nguồn lực đáp ứng các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến chỉ đạo đối với Cục Hàng không Việt Nam thực hiện một loạt các giải pháp; trong đó, trước tiên phải yêu cầu các hãng hàng không xây dựng phương án đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng chất lượng và số lượng dựa trên số lượng tàu bay và hoạt động khai thác tàu bay, bảo dưỡng của các hãng. Trước mắt, có thể thu hút và tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài; khuyến khích các tổ chức xây dựng và tổ chức huấn luyện nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước.
Cục Hàng không Việt Nam cần tăng cường kiểm tra đầu vào, kiểm tra huấn luyện chuyển đổi nhà khai thác đối với đội ngũ phi công gia nhập các hãng hàng không.
Vừa qua, theo phản ảnh còn có một số vấn đề trong quản lý, điều hành về lĩnh vực hàng không, đặc biệt là việc cấp phép điều phối bay (cấp phép số giờ bay quá quy định). Vậy có hay không hiện trạng trên thưa Thứ trưởng?
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang áp dụng việc xem xét cấp nhân nhượng cho các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng tàu bay. Có thể khẳng định rằng, việc phê chuẩn nhân nhượng là hoạt động thực tiễn áp dụng cho tất cả các tổ chức trong hoạt động khai thác và bảo dưỡng tàu bay. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và tuân thủ các quy định văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam về tiêu chuẩn an toàn bay trên cơ sở đảm bảo năng lực đánh giá mức độ an toàn tương đương.
Việc cấp nhân nhượng cho các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng tàu bay được Cục Hàng không Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc đó là, Cục Hàng không Việt Nam chỉ xem xét cấp nhân nhượng khi người khai thác tàu bay (hãng hàng không) hoặc tổ chức bảo dưỡng tàu bay có bằng chứng chứng minh rằng việc tuân thủ đầy đủ các quy định tại thời điểm đề nghị cấp là không thể thực hiện được và việc cấp nhân nhượng sẽ giúp cho hoạt động thông suốt của người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay; giảm tác động đến hoạt động đời sống xã hội (người khai thác phải huỷ chuyến bay, chậm giờ bay...).
Tuy nhiên, các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng phải chứng minh được việc áp dụng nhân nhượng là không ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động khai thác tàu bay.
Nguyên tắc tiếp theo là Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm theo dõi và đảm bảo rằng, các hãng hàng không không được phép sử dụng nhân nhượng như là một phương thức để tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là, các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng phải “ĐÓNG” nhân nhượng ngay lập tức khi có đủ điều kiện trước thời hạn hiệu lực của nhân nhượng.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam thực hiện nguyên tắc chỉ cấp nhân nhượng khi và chỉ khi có cơ sở khẳng định việc cấp nhân nhượng là không ảnh hưởng đến hoạt động an toàn khai thác tàu bay.
Căn cứ vào kết quả theo dõi đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam về việc cấp nhân nhượng thời gian qua trong hoạt động khai thác, bảo dưỡng của các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng, việc cấp nhân nhượng này đã tạo điều kiện cho các hãng đảm bảo hoạt động khai thác, bảo dưỡng thông suốt, tiết kiệm chi phí phát sinh, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động khai thác, bảo dưỡng tàu bay.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!