Theo Nghị định số 149 do Chính phủ ban hành ngày 11/11/2016, Bộ Công Thương được giao là cơ quan quản lý giá đối với mặt hàng sữa và các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Khách hàng chọn mua sữa bình ổn giá tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh: Lan Phương/TTXVN |
Do đây là lĩnh vực mới được bàn giao từ Bộ Tài chính sang nên Bộ Công Thương sẽ tổ chức đoàn công tác làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất và hãng cung ứng sản phẩm để nắm sát tình hình thực tế. Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, việc triển khai các quy định về kê khai, niêm yết giá trước đó và thực tế hiện nay, Bộ sẽ xây dựng cơ chế quản lý phù hợp.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần báo cáo đánh giá việc thực hiện các quy định về giá trong thời gian vừa qua, đâu là những hạn chế, bất cập. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp để xử lý bất cập cũng như định hướng trong thời gian tới.
Trước đó ngày 19/1/2017, Bộ Công Thương cũng công bố kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được áp dụng đến hết tháng 3 năm 2017 theo quyết định của Bộ Công Thương ban hành ngày 16/1/2017.
Theo đó, cơ quan quản lý giá có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và hồ sơ đăng ký giá để thực hiện rà soát chi phí hình thành giá tối đa, kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa của tổ chức, cá nhân thuộc diện đăng ký giá tại Bộ Công Thương. Tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra tình hình thực hiện giá tối đa và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa.
Trong phạm vi thẩm quyền xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh, kịp thời đề xuất các nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thị trường trong thời gian áp dụng bình ổn giá.
Việt Nam hiện có khoảng 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hàng. Tuy nhiên, tổng lượng sữa tươi mới đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu, còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, thời gian qua, thị trường sữa Việt có những bước phát triển vượt bậc, năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân, tăng trưởng vào khoảng 17% mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015. Năm 2016, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt trên 95.000 tỷ đồng; trong đó, riêng Vinamilk đạt 42.600 tỷ đồng.
Tổng giá trị của sữa bột và sữa nước hiện chiếm tới 3/4. Trong đó sữa tươi đạt sản lượng trên 1 tỷ lít, còn sữa bột có sản lượng 97.300 tấn, tăng 19,5%. Dự báo trong những năm tới, ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 9% và đạt mức 27-28 lít sữa/người mỗi năm vào năm 2020, tăng gần gấp rưỡi so với hiện tại.