Bến Lức vốn được xem như là thủ phủ của cây mía ở Long An. Vào thời điểm phát triển mạnh, diện tích trồng mía của địa phương này lên đến hơn 12.000 ha. Thế nhưng do liên tiếp gặp phải khó khăn, năm 2019 diện tích mía giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 ha, tính chung cả tỉnh là 3.800 ha.
Trong số đó, nhiều diện tích mía của nông dân từ niên vụ 2017 - 2018 đến nay vẫn còn nằm trên đồng vì bán không ai mua, hoặc mua với giá không đủ trả tiền nhân công thu hoạch. Nhiều hộ nông dân buộc phải đốt bỏ cây mía để chuyển sang trồng cây khác với hy vọng có thu nhập khá hơn, số còn lại chưa có vốn thì vẫn để ruộng bỏ hoang.
Là người trồng mía nhiều năm, từng nhờ vào đó để phát triển kinh tế gia đình, ông Nguyễn Huệ (xã Lương Hòa, Bến Lức, Long An) giờ đây phải chua xót khi nhìn về những cánh đồng mía. Thời điểm giá cao, ngoài diện tích đất của gia đình, ông còn thuê thêm đất của người khác để trồng mía với tổng diện tích lên đến 36 ha.
Thế nhưng qua mấy vụ thua lỗ liên tiếp, diện tích mía của gia đình ông Huệ giảm xuống còn chưa đầy 6 ha, tất cả đều là mía gốc (mía trồng tái sinh) chứ không trồng mới vì sợ tốn thêm chi phí. Một số diện tích mía vẫn còn vì bán không ai mua, một phần đất khác được chuyển sang trồng dừa. “Thực tình tôi không muốn phụ cây mía vì nhờ đó mà gia đình khá lên. Nhưng giờ bán không được nên buộc phải bỏ”, ông Nguyễn Huệ nói.
Nằm trong tình trạng tương tự, ông Huỳnh Văn Út (xã Lương Hòa, Bến Lức) đang phải phá bỏ toàn bộ đất trồng mía để chuyển sang trồng chanh. Theo ông Út, gia đình có hơn 7 công đất (7.000 m2), trồng mía được 3 năm thì chỉ duy nhất năm đầu tiên bán được hơn 40 triệu đồng, còn đến năm vừa rồi chỉ được 1,8 triệu đồng trong khi chi phí đã hết gần 10 triệu đồng. Do đó, buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác. “Trồng mía cả năm bán không bằng đi làm mướn một tuần thì trồng làm gì”, ông Út cho biết.
Không chỉ ông Huệ, ông Út, mà hầu hết những hộ nông dân trồng mía ở Long An đều rơi vào tình trạng tương tự. Đến các vùng trồng mía như xã Lương Hòa, Bình Đức (huyện Bến Lức)… dễ dàng nhìn thấy những cánh đồng mía già cỗi, cỏ mọc um tùm hay bị đốt bỏ. Người dân không còn đủ sức để bám trụ với cây mía vì càng bám càng thua lỗ. Những người có vốn thì phá bỏ mía để chuyển đổi sang trồng cây khác, những người thiếu vốn thì bỏ không.
Nếu như trước đây, toàn tỉnh Long An có hơn 12.000 ha trồng mía thì niên vụ 2018 - 2019 chỉ còn lại khoảng 3.800 ha. Những người giữ diện tích trồng mía thì chỉ hy vọng chứ không dám chắc tình hình sẽ khả quan hơn, ngoại trừ một số ít vẫn đang ký được hợp đồng thu mua với thương lái.
Theo các hộ nông dân, thị trường hiện nay quá khó khăn, nên mía bán không ai mua. Nếu bán được thì mức giá cũng chỉ khoảng 300.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển chỉ thu lại được khoảng 50.000 - 70.000 đồng/tấn. Tương đương mỗi ha chỉ thu được 5 - 7 triệu đồng, trong khi chi phí phân bón đã ngốn mất 10 triệu đồng, chưa tính công chăm sóc. Một số thương lái phải chở mía đến bán tận nhà máy đường ở tỉnh Hậu Giang, nhưng số lượng thu mua không nhiều do ở đó cũng có vùng nguyên liệu.
Sở dĩ người nông dân ở Long An phải rơi vào tình cảnh trên là do trước đây, toàn bộ diện tích trồng mía trên địa bàn phục vụ cho sản xuất của nhà máy đường Nivl (Lương Hòa, Bến Lức, Long An). Nhưng những năm gần đây, công ty này làm ăn thua lỗ, thường xuyên nợ tiền mía của người nông dân, thậm chí có thời điểm người dân phải bán mía lấy đường. Vừa qua, công ty này cũng buộc phải dừng hoạt động do thiếu kinh phí sản xuất, nợ tiền thuế lên đến hơn 100 tỷ đồng. Do đó, người trồng mía ở Long An rơi vào cảnh lao đao.
Người nông dân thì gặp khó khăn, còn ngành chức năng của tỉnh Long An dường như chưa tìm được giải pháp nào khả quan cho cây mía. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An thừa nhận, hiện nay tỉnh đang vướng trong việc giải quyết đầu ra cho cây mía. Từ năm trước, tỉnh đã tìm nhiều cách, gặp gỡ các bên nhưng vẫn chưa tháo gỡ được.
Cụ thể, trước việc Công ty Nivl dừng hoạt động, các ngành chức năng của Long An đã nhiều lần làm việc với Công ty Thành Thành Công (Tây Ninh) để doanh nghiệp này thu mua mía cho nông dân. Qua đó, Thành Thành Công cũng đang xúc tiến để tiếp nhận và khôi phục sản xuất của nhà máy Nivl; đồng thời triển khai khôi phục lại vùng nguyên liệu mía với diện tích khoảng 10.000 ha.
Tuy nhiên, quá trình thương lượng giữa các bên hiện nay cũng đang gặp khó, người nông dân chưa đồng ý ký hợp đồng với doanh nghiệp này vì mức giá đưa ra khá thấp (khoảng 630.000 đồng/ ấn). Việc thương lượng tiếp nhận nhà máy giữa Công ty Thành Thành Công và Công ty Nivl cũng chưa thực hiện được. Do đó, thị trường mía trên địa bàn có thể nói là đang đóng băng, người nông dân vẫn chịu cảnh khốn đốn.
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, tới đây, ngành nông nghiệp Long An vẫn tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các bên để thúc đẩy việc thương lượng tiếp nhận nhà máy đường; thu mua mía cho người nông dân. Nếu quá trình thương lượng giữa Công ty Thành Thành Công, Công ty Nivl và người nông dân diễn ra thuận lợi thì những khó khăn về thị trường mía cơ bản sẽ được giải quyết.