Hội nhập là phải chấp nhận cạnh tranh nên nếu tìm ra được chiến lược cạnh tranh phù hợp thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể phát triển nhanh. Nếu không, cùng mở cửa và hội nhập nhưng các nước sẽ thu được nhiều lợi ích hơn chúng ta, chẳng hạn, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào một nước nào đó thì tăng ít nhưng hàng hóa của họ lại dễ dàng đổ bộ vào thị trường Việt Nam, đẩy chúng ta vào tình thế thua ngay trên “sân nhà”.
Nhiều băn khoăn về chất lượng hội nhập
Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hội nhập kinh tế quốc tế nói chung trong đó có việc gia nhập WTO là quá trình phát triển tất yếu của nền kinh tế Việt Nam. Bởi, hội nhập gắn liền với việc thực hiện các cam kết sẽ thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế Việt Nam.
Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Nhiều ý kiến cho rằng, những năm gần đây, nhất là khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008 và năm 2011, quá trình hội nhập của Việt Nam trở nên khó khăn hơn nhiều. Với độ mở của nền kinh tế khá lớn, tức là phát triển phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và thu hút đầu tư... nên tác động của kinh tế thế giới với Việt Nam càng lớn.
Một đại biểu của Bộ Khoa học – Công nghệ cho rằng, sau 5 năm gia nhập WTO nhưng trình độ công nghệ Việt Nam vẫn ở mức thấp, việc đầu tư cho khoa học công nghệ vẫn chưa được quan tâm đúng mức, áp lực cạnh tranh để buộc thay đổi khoa học công nghệ của DN vẫn chưa cao. Các lĩnh vực công nghệ cao chủ yếu tập trung ở khối các DN nước ngoài, họ đầu tư ở Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu hàng công nghệ cao để hưởng 2 ưu thế về lao động giá rẻ và ưu đãi về xuất xứ. “Công nghệ cao hay thấp không thể trông chờ vào Nhà nước mà bản thân DN phải tự lo. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ: quốc gia, hiệp hội ngành hàng và DN... chưa cao và chậm được cải thiện đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình hội nhập của Việt Nam”, ông Tuyển nêu rõ.
Hội nhập phải song hành với cải cách trong nước
Theo tiến sõ Võ Trí Thành, thực thi cam kết hội nhập (trong cả ASEAN, WTO...) nhằm thúc đẩy hình thành và đạt chuẩn quy chế nền kinh tế thị trường là yếu tố hết sức quan trọng đối với quá trình đổi mới và cải cách nền kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy sức mạnh nội tại và thu hút nguồn vốn đầu tư (đặc biệt là vốn FDI), phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường nước ngoài và khai thác hiệu quả hơn thị trường trong nước.
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế là một điều kiện cần nhưng chưa đủ của tiến trình phát triển bền vững. Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã hội nhập mạnh mẽ hơn là cải cách trong khi đáng ra hội nhập và cải cách phải là một quá trình song hành.
Về định hướng cải cách của Việt Nam trong thời gian tới, ông Thành đề xuất: “Để cải cách theo định hướng thị trường, Việt Nam phải tiến tới thực hiện lộ trình giá thị trường với các mặt hàng thiết yếu, cơ cấu lại các DN nhà nước, tiếp tục thực hiện chính sách tự do hóa thương mại”. Về cải cách thể chế, ông Thành nhấn mạnh: “Thể chế đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trường và phát triển bền vững. Cải cách thể chế của Việt Nam phải gắn với tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan hành chính; tính dự báo và tuân thủ chính sách”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam phải chú trọng định vị nền kinh tế Việt Nam trong khu vực cũng như toàn cầu và phải tìm được lợi thế cạnh tranh riêng biệt bằng cách như đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu và tăng cường khả năng cạnh tranh phi giá cả; phát triển các kỹ năng quản lý và lao động...
Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển lưu ý: “Năng lực cạnh tranh tổng thể của một nền kinh tế bao gồm năng lực vĩ mô và vi mô. Nhà nước có vai trò thúc đẩy năng lực vĩ mô: xây dựng thể chế, làm chính sách chứ không phải tham gia vào từng việc cụ thể. Nếu không phân vai đúng thì không thể phát triển được. Bên cạnh đó, để nâng cao sức cạnh tranh, Việt Nam phải chú trọng giải quyết những nút thắt của nền kinh tế, đó là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực”.
Thu Hường