Sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật tuần qua

Báo Tin tức và Dân tộc (TTXVN) điểm lại các sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật tuần qua.

Chú thích ảnh
PVOIL sẽ bán thí điểm xăng sinh học E10 tại một số khu vực. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

1. Từ tháng 9/2025, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) - doanh nghiệp Nhà nước chiếm thị phần xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam, sẽ bán thí điểm xăng sinh học E10 tại một số khu vực. Để đảm bảo nguồn Ethanol cho pha chế xăng sinh học E10, PVOIL sẽ mua từ một số nhà máy sản xuất Ethanol ở trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Đến ngày 1/1/2026, PVOIL sẵn sàng chuyển sang sản xuất và kinh doanh xăng E10 trên toàn hệ thống theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

2. Hành khách có thể mua vé tàu hỏa Liên vận quốc tế Gia Lâm – Nam Ninh tại tất cả nhà ga đường sắt trên toàn quốc từ 16/7, thay vì phải trực tiếp đến tại một số ga như: Hà Nội, Gia Lâm, Bắc Giang, Đồng Đăng. Đây là giải pháp nhằm đơn giản hóa quá trình mua vé tàu Liên vận quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hành khách có nhu cầu di chuyển giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng đường sắt.

3. Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn sẽ vận hành trở lại vào tháng 8/2025 là thông tin được lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn (LSP) chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP) cho biết tại buổi làm việc, khảo sát của Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh với doanh nghiệp này vào ngày 18/7. Đây là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại Việt Nam, đi vào hoạt động từ tháng 9/2024, với sản lượng ban đầu đạt 219.000 tấn, trong giai đoạn thử nghiệm kéo dài 9 tháng. Tuy nhiên, những biến động về chính trị và nhiều yếu tố khác khiến giá dầu tăng cao nên dự án đã phải tạm ngưng hoạt động

4. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư và các biên bản hợp tác ghi nhớ với tổng giá trị đạt trên 15 tỷ USD. Đây là một trong những minh chứng rõ nét về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại thành phố Cảng. Thành phố đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược; trong đó, ưu tiên đầu tư cảng biển nước sâu Lạch Huyện, cảng Nam Đồ Sơn, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng cùng một số tuyến đường huyết mạch khác và hệ thống logistics.

5. Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoàn thành lò cao số 6, thuộc phân kỳ 2 của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 vào tháng 9/2025. Sau khi hoàn thành, sản lượng thép toàn Tập đoàn sẽ đạt tổng cộng 16 triệu tấn/năm, trong đó có 9 triệu tấn thép cuộn cán nóng, đáp ứng 100% nhu cầu với sản phẩm này trên thị trường Việt Nam.

6. Hệ thống điện miền Bắc và hệ thống điện Quốc gia đã đồng loạt xác lập kỷ lục mới về công suất và sản lượng tiêu thụ điện trong ngày 18/7. Theo đó, nhu cầu sử dụng điện tăng vọt khiến ngày 18/7/2025 ghi nhận mức công suất tiêu thụ cực đại tại miền Bắc đạt 26.998 MW – cao nhất kể từ đầu năm, tăng 1.458 MW so với cùng kỳ năm 2024, tương đương tăng 5,7%. Song song đó, sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc đạt 1.066,6 triệu kWh, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, miền Bắc tiêu thụ 551,8 triệu kWh, tăng 4,2%.

7. Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng chính thức triển khai thủ tục hàng không không cần giấy tờ thông qua công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face ID) tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử VneID tại sân bay Đà Nẵng. Trước mắt, hệ thống được áp dụng cho hành khách của hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air trên các chuyến bay nội địa.

Chú thích ảnh
Hệ thống nhận diện sinh trắc học kiểm tra an ninh giúp hành khách làm thủ tục hàng không không cần giấy tờ vừa được đưa vào sử dụng tại Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN phát

8. Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ Xây dựng) và Công ty cổ phần Sông Đà 10 vừa tổ chức thông hầm Đèo Ngang nối giữa hai tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh. Hầm Đèo Ngang mở rộng dài 650m, phần thân hầm dài 555m, rộng 10,5m với 2 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tuyến hầm vượt dãy núi Hoành Sơn thuộc địa phận phường Hoành Sơn (Hà Tĩnh) và xã Phú Trạch (Quảng Trị). Sau khi hoàn thành, hầm Đèo Ngang sẽ có tổng cộng 2 ống hầm, 4 làn xe (kết hợp với hầm hiện hữu).

9. UBND thành phố Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa. Theo đó, giai đoạn 1 của dự án, từ năm 2025–2030, nhà đầu tư sẽ xây dựng thêm 7 bến thủy nội địa dọc sông Hàn cùng các công trình phụ trợ, trong phạm vi từ cầu Thuận Phước đến cầu Tiên Sơn. Trong giai đoạn 2, từ năm 2028–2031, dự án sẽ đầu tư xây dựng thêm 13 bến thủy nội địa dọc sông Vĩnh Điện, Cổ Cò, Cẩm Lệ cùng các công trình phụ trợ. Nhà đầu tư cũng xây dựng công viên cảnh quan, mua sắm tàu thuyền phục vụ du lịch đường thủy.

10. Quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom vừa được bàn giao về Bộ Công an. Việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại FPT Telecom từ SCIC về Bộ Công an được thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, nhằm tăng cường tiềm lực cho Bộ Công an trong thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trong đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin và viễn thông chuyên dùng trong tình hình mới.

TTXVN/Báo Tin tức và Dân tộc
Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua
Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Báo Tin tức và Dân tộc (TTXVN) điểm lại các sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN