Bỗng dưng bị đòi nợ
Cách đây hơn một tuần, chị Trần V., ngụ tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) đã không khỏi bức xúc, suy sụp tinh thần khi chị và người nhà bị một nhóm xã hội đen đến nhà đòi nợ. Tuy nhiên, người nợ không phải là chị mà là người chồng vừa li dị được vài tháng.
Theo lời chị Trần V., sau khi li dị chồng, tài sản chị không được đồng nào, vừa phải nuôi con, vừa phải về nhà mẹ ở nhờ; các khoản vay của chồng cũ, chị không hề biết. Khi nhóm người đòi nợ đến nhà “khủng bố”, vì quá sốc nên mẹ chị V. đã ngất xỉu và đổ bệnh.
Vừa buồn chuyện li dị với chồng, nay lại thêm bị một công ty tài chính cho người đến đòi nợ kiểu xã hội đen, đòi chém, siết đồ của nhà mẹ đẻ càng khiến chị thêm suy sụp. “Đáng lẽ công ty tài chính phải đòi nợ người vay, tại sao lại đến đòi nợ người không liên quan và bắt ép họ phải trả nợ, công ty có còn tình người hay không?”, chị Trần V. bức xúc chia sẻ.
Không riêng trường hợp của chị Trần V., rất nhiều trường hợp khác cũng rơi vào hoàn cảnh bị “ôm cục nợ” không phải của mình, thậm chí nợ vay của một người xa lạ nào đó mà họ không hề biết, điển hình như trường hợp Anh Vinh, ngụ tại quận Bình Tân.
Anh Vinh cho hay: “Tôi không vay tiền của công ty tài chính nhưng bị công ty đó đòi nợ và gửi tin nhắn hăm dọa vì có một người dùng số điện thoại của tôi làm người thân để vay tiền. Lúc đầu, họ không gọi để xác nhận tôi có phải người thân của người vay tiền hay không, nhưng sau khi người đó đóng trễ hạn, họ gửi tin nhắn tới số điện thoại của tôi nói tôi là đồng phạm về tội chiếm đoạt tài sản…”.
Không chỉ các công ty đòi nợ theo kiểu xã hội đen, nhiều người vay tiền góp thông qua hình thức phát tờ rơi cũng rơi vào hoàn cảnh “dở sống dở chết” do bị đòi nợ kiểu này. Như trường hợp chị Trinh (ngụ Bình Chánh) đã bị một nhóm người bắt giữ, hành hung đòi nợ vào ngày 27/10. Trước đó, chị Trinh đã vay tiền của một người tên Năm khoảng 10 triệu đồng, đồng thời giới thiệu một số người bạn của mình vay của Năm.
Sau khi chị Trinh trả góp và còn nợ số tiền 6 triệu đồng, còn những bạn bè mà chị Trinh giới thiệu không trả được nợ nên Năm đã bắt buộc chị Trinh phải trả hết số tiền là 80 triệu đồng (cả gốc lẫn lãi mà bạn bè chị Trinh nợ). Rất may, công an quận 12 (TP Hồ Chí Minh) đã ập đến và giải cứu kịp thời.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), lĩnh vực, ngành được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại nhiều nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Đây là điểm khác biệt so với những năm trước bởi ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng.
Đáng lo ngại, người tiêu dùng chủ yếu khiếu nại các công ty tài chính về việc thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý; cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng sau khi ký...
Cần minh bạch thông tin cho vay
Theo các chuyên gia tài chính, với hình thức cho vay dễ dãi của các công ty tài chính, cho vay trả góp núp bóng trá hình của các nhóm cầm đồ thông qua phát tờ rơi, như chỉ cần chứng minh nhân dân hay bằng lái xe, hộ khẩu thường trú, hộ khẩu KT3 và số điện thoại người thân là sẽ được cho vay từ vài triệu đến khoảng 15 triệu đồng nên nhiều người tiêu dùng đã ham vay để mua sắm.
“Điều đáng nói, hình thức cho vay trả góp lãi suất 0% qua thẻ tín dụng và qua các công ty tài chính… hoàn toàn khác nhau. Nếu trả lãi suất 0% qua thẻ tín dụng, chủ thẻ chỉ mất phí chuyển đổi vài trăm hoặc không mất khoản phí nào (tùy ngân hàng) và hạn mức trả góp cao nhất 12 tháng. Với các công ty tài chính, trả góp lãi suất 0% chỉ áp dùng vài tháng, những tháng sau sẽ áp dụng mức lãi suất rất cao, tuy nhiên người tư vấn lại không giải thích rõ ràng hoặc giải thích mập mờ, khiến người vay rơi vào mê trận và sau đó gánh hậu quả khó lường”, TS – LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight chia sẻ.
Mặt khác, theo chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Quang Tín, tình trạng mập mờ thông tin khi các công ty tài chính cho vay trả góp cũng như cách đòi nợ kiểu xã hội đen của các công ty tài chính đã diễn ra từ lâu. Bởi thị trường cho vay tiêu dùng không thế chấp là thị trường màu mỡ, tập trung chủ yếu vào học sinh, sinh viên, công nhân, lao động nghèo... nhưng thích thay đổi, mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng điện thoại, điện tử. Do đó, thị trường cho vay tiêu dùng ngày càng phát triển mạnh trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) cho rằng, đó cũng là lí do nhiều ngân hàng trong thời gian qua cũng chạy đua mở rộng cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp với các công ty tài chính. Đây là cách mà ngân hàng muốn minh bạch thông tin, giúp người tiêu dùng tránh tình cảnh vay lãi suất cao.
Dù vậy, để ổn định tình hình cho vay lách luật, mập mờ thông tin lãi suất, gây khó cho người tiêu dùng, vừa qua Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã yêu cầu chấn chỉnh lại phong cách làm việc của các công ty tài chính, đặc biệt là cách đòi nợ kiểu xã hội đen. Trong văn bản số 7022/NHNN-TTGSNH gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu các đơn vị này chấn chỉnh tình hình hoạt động của những công ty tài chính trên địa bàn. NHNN cũng đặc biệt lưu ý các công ty tài chính phải nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn khách hàng và đạo đức nghề nghiệp nhằm ngăn chặn hành vi trái phép có thể xảy ra.
Ngoài ra, nhiều địa phương cũng yêu cầu kiểm tra, siết chặt lại hình thức cho vay thông qua phát tờ rơi để tránh tình trạng người vay bị mắc bẫy lãi suất. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh lập danh sách theo dõi 600 người cho vay nặng lãi trên địa bàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, quản lý chặt các công ty đòi nợ thuê và dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay nặng lãi.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó phòng tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh, hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen và các hành vi trái pháp luật liên quan đến các hoạt động này đang diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi; thường bằng các hợp đồng mua bán xe trả góp, vay tiêu dùng, vay trả góp. Mức lãi suất các đối tượng đòi nợ thuê, dịch vụ cầm đồ núp bóng cho vay nặng lãi rất cao, khoảng 20%/tháng.