Thủ tục kéo dài, tài chính khó khăn và thị trường BĐS đóng băng đã khiến nhiều dự án dân cư để cho cỏ mọc.
Dự án để hoang
Đầu tháng 11, dạo quanh một vòng các khu dự án được coi là “điểm nóng” một thời ở khu vực quận 9, Nhà Bè, Bình Chánh... phát hiện nhiều dự án tiếng là khu dân cư, khu đô thị, nhưng thực tế vẫn là những “cánh đồng hoang”. Anh Trần Trọng Đức - một "cò" đất có hạng, dẫn chúng tôi đi và chỉ vào từng dự án: "Cách đây 3 năm khu này ngày nào cũng là... chợ với hàng trăm khách mua bán, sang tay đất dự án. Nay cũng khu đất này, nhưng chỉ còn có... cỏ".
Đi dọc theo tuyến đường Đỗ Xuân Hợp, đường Liên Phường… (quận 9), có đến hàng chục dự án đã hình thành gần cả chục năm, được đầu tư hạ tầng, đường sá, nhưng mỗi dự án chỉ có thưa thớt khoảng chục căn nhà được xây dựng.
Ngay từ đầu đường Liên Phường, những dự án khu dân cư mới như Kiến Á, Nhà Phú Nhuận... một thời “sốt giá”, nhưng giờ hiện diện trên mỗi dự án chỉ vài chục căn nhà được xây dựng. Nhiều căn thậm chí còn đang dang dở hoặc xây xong đóng cửa im ỉm.
Cách đó không xa, dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc trước đây cũng khá nổi đình nổi đám thì nay tiêu điều. Dự án này trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001, với diện tích hơn 82 ha. Theo đó, Công ty cổ phần Địa ốc 10 (Res 10) tiền thân là Công ty Xây dựng và dịch vụ nhà đất quận 10 được giao tới 785.529 m2 đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, sau hơn 10 năm đầu tư, đến nay, dự án này cũng chỉ lác đác vài căn nhà lẻ loi. Nhiều tuyến đường của dự án đã đầu tư từ trước đến nay bị băm nát và trở thành bãi đỗ xe container.
Chị Phạm Mộng Tuyền cho biết: "Gia đình tôi rất muốn xây dựng nhà để ở, nhưng hiện không thể xây vì hạ tầng xuống cấp, các dịch vụ điện, nước đều không có. Vì thế, có đất cũng như không, cả nhà vẫn phải đi thuê nhà ở".
Chạy theo đường Nguyễn Duy Trinh, hàng loạt dự án như Bách Khoa, khu nhà ở Long Trường... cũng là những mảng đất trống, cỏ mọc dày và không người ở. Trong đó, đáng chú ý là dự án khu đô thị Đông Tăng Long do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Được khởi công từ năm 2005, có diện tích hơn 159 ha, dự án từng được coi là dự án trọng điểm của quận 9. Thế nhưng đến nay, dù dự án đã được đầu tư hạ tầng, đường sá, nhưng nơi này vẫn chỉ là một khu đất cỏ hoang và lưa thưa vài căn nhà mọc lên đang trong tình trạng xuống cấp.
Nằm giáp quận 1, quận 2 được đánh giá là có vị trí chiến lược của thị trường địa ốc TP Hồ Chí Minh nhưng nhiều dự án cũng lâm vào cảnh nhiều cỏ, ít nhà. Ngay dự án được đánh giá có vị trí đẹp như Huy Hoàng, Thế Kỷ đã từng có mức giá giao dịch trên thị trường 50 - 70 triệu đồng/m2, cũng có rất ít người ở. Còn tại một số khu vực Thạnh Mỹ Lợi, Bình Trưng Đông, nơi trước đây từng diễn ra khá sôi động mua bán đất nền, nhưng hiện vẫn chỉ là một cánh đồng mênh mông... cỏ.
Ở khu vực Bình Chánh, Nhà Bè dự án đang... “trồng cỏ” cũng khá nhiều. Phần lớn các dự án này dang dở là do thiếu kinh phí hay chưa xong thủ tục thì giá BĐS tuột dốc nên dự án nằm lại. Nhiều dự án ở khu vực giáp ranh với khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng trở thành "cánh đồng hoang" dù đã được san lấp mặt bằng.
Gây lãng phí
Lý giải về tình trạng các dự án “bỏ hoang”, ông Nguyễn Xuân Lộc - Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Techcom Real, cho biết: "Một số dự án không có người ở trước hết là do phần lớn khách hàng mua đất trước đây là những nhà đầu cơ, mua đi bán lại, không có nhu cầu thực tế về nhà ở. Thêm nữa là nhiều dự án quy mô lớn nhưng khi BĐS xuống đáy nên khách hàng quay lưng và dự án thiếu hụt về tài chính".
Theo các chuyên gia kinh tế thì nguyên nhân các dự án BĐS chậm triển khai chủ yếu vẫn do chính sách và năng lực của doanh nghiệp. Khi triển khai dự án, vốn của doanh nghiệp chỉ chiếm 15 - 20% trên tổng mức đầu tư, phần còn lại là đi vay của ngân hàng. Do đó doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào những thay đổi của chính sách tiền tệ. Với các doanh nghiệp đi vay tiền để triển khai dự án thì khi ngân hàng cắt vốn thì dự án cũng tự "chết". |
Theo đánh giá của các chuyên gia về BĐS, tình trạng hàng loạt dự án “bỏ hoang” là vô cùng lãng phí cho cả doanh nghiệp lẫn người dân. Vì ngoài đất hoang để cỏ mọc thì hệ thống hạ tầng được xây dựng kèm theo các dự án cũng chẳng được sử dụng. Điện, đường, trường, trạm... là những hạng mục buộc phải có của từng dự án, nhưng do đầu tư dở dang, không đồng bộ nên hư hỏng, xuống cấp theo năm tháng. Sau này, khi kinh tế phục hồi và các dự án được triển khai tiếp, khi ấy nhiều hạng mục phải thay hay làm mới hoặc bỏ ra thêm một khoản tiền không nhỏ để nâng cấp, bảo dưỡng.
Hiện tượng này đã được nhiều chuyên gia dự báo từ trước, song dường như những cảnh báo đó không đủ “nặng” để các cơ quan quản lý tìm được giải pháp khắc phục. Thực trạng này, theo một số chuyên gia, là do sự quản lý lỏng lẻo. Nhiều dự án đã được giao theo nhiệm kỳ, giao lấy được.
Để khắc phục tình trạng này, TP Hồ Chí Minh cần có một cuộc rà soát lại thực trạng các dự án và song song đó có chiến lược về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất. Nếu không có những giải pháp cụ thể, rõ ràng và có kế hoạch khai thác thì vừa lãng phí quỹ đất và nếu các dự án bỏ hoang sẽ dẫn đến tình trạng lấn chiếm hay phát sinh các tệ nạn xã hội từ vùng đất hoang này.
M. Thuyết - Đ. Giới