Loại bỏ một số loại phí chồng lên nhau

“Nền kinh tế chúng ta có quá nhiều loại phí và lệ phí, thậm chí có những loại phí không còn phù hợp, làm cho đời sống của người dân và doanh nghiệp khó khăn thêm".

Đây là khẳng định của Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Cao Sỹ Kiêm phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Đại biểu Cao Sỹ Kiêm nhận định: "Do đó, xây dựng Luật Phí và lệ phí sẽ tập trung loại bỏ một số loại phí chồng lên nhau, đồng thời quy định cho từng nhóm hàng tại địa phương, chỉ đạo thu cái gì không thu cái gì và ai được thu nhằm ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, tự phát trong việc thu phí, lệ phí đối với người dân”.

Theo đại biểu Kiêm, trong Luật Phí và lệ phí cần quy định rõ ai được phép đưa ra các loại phí, cấp nào được thu, cấp nào có thẩm quyền xem xét xem loại phí đó đã chồng lên phí khác chưa. Nếu không có luật quy định cụ thể, hợp tác xã, y tế, giáo dục, ngành và địa phương nào cũng đưa ra phí của ngành mình, đặc biệt ở vùng nông thôn có quá nhiều lệ phí, “ông nào nghĩ ra cái gì là ông ấy thu không theo một quy định nào” sẽ làm xã hội hỗn loạn. Vì vậy, cần xây dựng Luật Phí và lệ phí để giải quyết các vấn đề này.

Phí chồng lên phí, đặc biệt thời gian gần đây nhiều địa phương sau khi nâng cấp cải tạo một số tuyến đường dựng trạm thu phí BOT khiến cử tri một số địa phương bức xúc, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng, đây là câu chuyện còn nhiều bất cập ở nhiều dự án, nhiều địa phương dẫn đến phí chồng lên phí.

Đó là nhiều điểm thu phí đặt quá gần nhau, tận thu nhiều quá ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, các đoạn đường bị cắt khúc nhiều dẫn đến tốn kém thời gian và tiền bạc của người dân cũng như doanh nghiệp.

Vấn đề là ở các tỉnh gần nhau có dự án liên quan, tỉnh nào cũng muốn đặt trạm thu phí để tăng ngân sách địa phương dẫn đến sự hỗn loạn. Điều này cho thấy không có một sự chỉ đạo chung, không có một cơ chế chung. Đây không còn là vấn đề thỏa thuận mà là “sự thỏa hiệp” vì quyền lợi giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương.

Thực tế, đây là sự phối hợp giữa địa phương và cơ quan quản lý phải có sự thống nhất, chỉ đạo từ trên xuống dưới, địa phương này thu thì địa phương kia thôi. Trong khi đó, trách nhiệm của Bộ Tài chính là cân đối, bố trí ngân sách “chỗ này thiếu chỗ kia hụt” nên cần phải điều chỉnh cho phù hợp không để địa phương không được thu phí chịu thiệt thòi.

Đại biểu Kiêm cũng khẳng định, “Việc thu phí đường bộ là cần thiết vì đường sá cần kinh phí để duy tu bảo dưỡng, nhưng vấn đề quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này như thế nào, có khi thu nhưng chất lượng đường không được nâng lên, thậm chí xấu hơn, hay chia cắt nhiều hơn để tận thu. Điều này sẽ khiến người dân nghi ngờ trong việc sử dụng, quản lý và tính hiệu quả của việc thu phí”.

Dưới góc nhìn của nhà hoạch định chính sách, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng, trong tổ chức mạng lưới giao thông, quan điểm về phân luồng giao thông là hạn chế vận tải bằng đường bộ, đặc biệt là vận tải hàng hóa bằng đường bộ, ưu tiên vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy và hàng hải.

Trạm thu phí đầu tuyến tại km 96+700 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Nếu doanh nghiệp tổ chức sản xuất liên vùng nên tổ chức vận tải bằng đường sắt hoặc bằng đường thủy. Nếu doanh nghiệp vận tải bằng đường bộ thì phải chịu đội giá. Do đó, doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức vận tải hợp lý cho mình để tránh “đội giá”.

Theo đại biểu Kiên, khi phí đường bộ tại các dự án BOT tăng cao, người dân sử dụng ô tô đi lại sẽ chịu chi phí cao. Chi phí này có hai nguyên nhân. Nguyên nhân chủ quan là do Nhà nước không có hệ thống mạng lưới đường giao thông thuận tiện và giá cả hợp lý.

Đại biểu Kiên nêu ví dụ di chuyển lên Đắc Lắk nếu không đi ô tô mà đi tàu thì phải đi đến điểm nào đó như Đà Nẵng hay Nha Trang rồi chuyển tải lên Đắc Lắk. Còn nếu đi bằng máy bay hoặc đi bằng ô tô thì có thể đi đến trực tiếp những địa điểm này.

Đây là nhược điểm còn lại của ngành giao thông cần phải khắc phục trong 10 – 20 năm tới. Nguyên nhân hai là do thói quen của người sử dụng phương tiện giao thông, người Việt Nam vẫn mang tư duy sản xuất nhỏ vào trong sản xuất lớn.

Thí dụ đi lên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ hoặc Cầu Giẽ Ninh Bình thấy rất nhiều nam thanh nữ tú đưa tay vẫn xe khách. Từ làng mình là leo qua hàng rào vẫy xe mà họ “quên rằng tàu hỏa có ga, xe ca có bến”.


Toàn Xuyên (TTXVN)
Thông cáo số 6 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
Thông cáo số 6 kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Buổi sáng ngày 26/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ tọa phiên họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN