Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước rất khó khăn, kim ngạch XK nước ta ước đạt 114 tỷ USD, tăng 18,3%, đây được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Minh Thủy (ảnh), Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), đã nhận diện về những cơ hội và thách thức đối với hoạt động XK của nước ta.
´Mặc dù năm qua, tình hình kinh tế thế giới rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến đầu ra của sản phẩm XK, nhưng kim ngạch XK của nước ta đã có mức tăng trưởng tốt, đạt kim ngạch trên 100 tỷ USD. Bà nhận định như thế nào về kết quả này?
XK cao đã đóng góp tốt vào tăng trưởng GDP, ước tính gần 2,6 điểm phần trăm. Việc XK tăng cao cũng đã góp phần ổn định tỷ giá, làm dồi dào nguồn ngoại tệ, cải thiện đáng kể hệ thống thanh khoản của ngân hàng. Bên cạnh đó, kết quả này đã thể hiện những cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam vượt khó và tìm được đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp. Năm 2012, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã vươn lên vị trí số 2 thế giới, đạt khối lượng hơn 8 triệu tấn.
´Có nhiều ý kiến cho rằng, XK mặc dù tăng trưởng cao nhưng vẫn còn thiếu bền vững. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?
Đúng là XK năm 2012 tăng cao, tuy nhiên còn một số điểm vẫn băn khoăn. Thứ nhất, XK tăng cao là do khu vực FDI (khu vực có vốn trực tiếp nước ngoài) đóng góp rất lớn, chiếm tới 63% tỷ trọng kim ngạch XK (tính cả dầu thô). Nếu loại trừ dầu thô, khu vực này cũng chiếm tới 56%. Trong khi khu vực FDI tăng trưởng tới 31%, thì khu vực trong nước chỉ tăng 1,3% về XK. XK tăng mạnh cũng có sự đóng góp của các mặt hàng gia công lắp ráp, thí dụ như điện thoại, linh kiện tăng rất mạnh với kim ngạch gần gấp đôi so với năm 2011, trong đó khu vực FDI chiếm tới 97% kim ngạch XK mặt hàng này. Nhóm hàng điện tử, máy tính, tỷ trọng XK của khu vực FDI cũng chiếm trên 90%. Hàng dệt may, giày dép khu vực FDI cũng chiếm 70 - 80% tổng kim ngạch XK.
Có thể nói rằng, ngoài những đóng góp cao cho kim ngạch XK và tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước thì chúng ta cũng phải nhìn nhận những hạn chế xét về thu nhập quốc gia. Các mặt hàng vừa nêu trên đều là gia công, lắp ráp và tỷ lệ giá trị gia tăng không cao, lại được XK bởi phần lớn các doanh nghiệp FDI mà đầu vào chủ yếu là nhập từ nước ngoài, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Điều đó cũng có nghĩa là kết quả XK đã không tương xứng với mức thu hút lao động trong nước. Một điểm nữa là trong năm 2012, kim ngạch XK của nhóm hàng nông sản tăng chủ yếu là về lượng, trong khi giá thế giới giảm khá nhiều. Điều đó ảnh hưởng đến hiệu quả XK. Nhóm hàng này bao gồm các sản phẩm liên quan đến bộ phận lớn là lao động nông nghiệp, chủ yếu là những sản phẩm của Việt Nam, thu hút rất nhiều lao động. Việc chúng ta chủ yếu XK các sản phẩm thô, hàm lượng chế biến không cao khiến cho giá XK phụ thuộc nhiều vào biến động giá trên thế giới, điều đó cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả XK.
´ Năm 2013 được nhận định vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức không chỉ đối với nền kinh tế mà với cả doanh nghiệp XK. Theo bà, cần thực hiện những giải pháp gì để duy trì mức tăng trưởng?
Để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK thì các doanh nghiệp cần phải tính toán, cần tận dụng lợi thế về sự sẵn có của nguồn nguyên liệu phong phú trong nước để chế biến ra những sản phảm có giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời cũng phải phối hợp các giải pháp như tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Điều này các doanh nghiệp khu vực FDI thực hiện rất hiệu quả. Vấn đề tiếp theo là tiếp tục cải tiến mẫu mã sản phẩm, thống nhất, hài hòa giữa tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn thế giới bởi chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Một điểm rất quan trọng nữa là cần tìm đầu ra cho sản phẩm XK, điều này mang ý nghĩa then chốt. Để làm được, trước hết các doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ thông tin, bao gồm cả thông tin trong và ngoài nước, để có thể mở rộng và đa dạng hóa thị trường.
Xin cảm ơn bà!
Quang Toàn (thực hiện)