Trong bối cảnh các nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng giao thông ngày càng hạn hẹp, ngành giao thông vận tải (GTVT) phải tìm cách huy động nguồn vốn tư nhân để đầu tư xây dựng hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách và tạo thế chủ động đẩy nhanh hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm.
Rộng mở cơ hội đầu tư tư nhân
Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, mặc dù đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam hiện tồn tại nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tại các thành phố lớn hiện nay, do quy hoạch phát triển giao thông thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất về chiến lược, chồng chéo về giải pháp nên đã tạo ra những “nút thắt cổ chai” giao thông rất khó xử lý, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.
Dự án mở rộng quốc lộ 1 đang thu hút nhiều nguồn vốn tư nhân đầu tư xây dựng. Ảnh:CTV |
Bên cạnh đó, ngành giao thông phải đối mặt với tình trạng “đói” vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2014 - 2020, với dự kiến cần tới 960.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách chỉ được bố trí khoảng 70.000 tỷ đồng, cộng với khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và thu hút khoảng 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông còn thiếu khoảng 680.000 tỷ đồng. Do đó, việc huy động vốn đầu tư tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông là kênh thu hút vốn quan trọng và cần thiết.
“Trong bối cảnh các nguồn lực dành cho hạ tầng đang rất khó khăn, việc huy động một khối lượng lớn nguồn vốn BOT đã giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và tạo thế chủ động trong thực hiện đầu tư, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư Đảng, Quốc hội và Chính phủ”. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng |
Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công tư (Bộ GTVT) Lê Anh Tuấn nhận định: Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL)1, QL14 qua Tây Nguyên đang được Bộ GTVT “trải thảm đỏ” để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia theo các hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao lại), BT (xây dựng – chuyển giao lại), PPP (hợp tác công tư)… để phấn đấu hoàn thành trước năm 2016 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Các chuyên gia giao thông nhận định, môi trường đầu tư trong lĩnh vực giao thông hiện rất cởi mở, thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu như trước đây, tâm lý các nhà đầu tư chỉ nặng về lợi nhuận, thì nay kết hợp hài hòa giữa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích cộng đồng, Nhà nước.
Gỡ nhiều “nút thắt”
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Hoằng, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2013, Bộ GTVT đã huy động được gần 90.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm: Trong đó, các dự án BOT mở rộng QL1 đạt 43.720 tỷ đồng, các dự án BOT mở rộng QL14 đạt gần 6.000 tỷ đồng và nhiều dự án BOT, BT, PPP khác đạt gần 40.000 tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều dự án đã cơ bản hoàn thành sớm hoặc đã đồng loạt được khởi công nhằm nâng cao năng lực vận tải ở các địa phương và toàn quốc. Việc thu hút vốn tư nhân cùng giúp cải thiện tình trạng công trình chờ vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng công trình giao thông chậm tiến độ thời gian qua.
Bộ GTVT đang tập trung mọi nguồn lực để quyết liệt triển khai các dự án mở rộng QL1, QL14 bằng nhiều nguồn vốn khác nhau; đồng thời tạo điều kiện tối đa về thủ tục, cơ chế, chính sách thông thoáng nhất để sớm đưa dự án này về đích. Không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực đường bộ, mà tới đây Bộ GTVT chủ trương tiếp tục triển khai các dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy để huy động vốn tư nhân. Hiện nay, Bộ GTVT đã ban hành những quy định tối thiểu về tỷ lệ vốn của nhà đầu tư được tham gia các dự án; các quyền tự chủ của doanh nghiệp có bảo lãnh… Đặc biệt việc lựa chọn nhà đầu tư dự án theo hình thức đấu thầu trên cơ sở cạnh tranh công bằng, minh bạch sẽ tạo nhiều thuận lợi để thu hút vốn đầu tư tư nhân.
Một nút thắt quan trọng nữa đang được Bộ GTVT tập trung tháo gỡ là gấp rút hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành về các phương án bảo lãnh vốn vay cho nhà đầu tư, ban hành định mức hỗ trợ tài chính chi tiết để làm cơ sở mời thầu và đàm phán với các nhà đầu tư trong tương lai. Theo nhận định của lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), các nhà đầu tư sẽ không bỏ tiền ra, nếu lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn và cơ chế chính sách không thuận lợi.
Tiến Hiếu