Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi từ phía cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc sửa đổi luật lần này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Loại bỏ các thủ tục chồng chéo
Dự kiến, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua trong tháng 10 tới tại kỳ họp Quốc hội thứ 8. Theo các doanh nghiệp (DN), hạn chế lớn nhất của Luật Doanh nghiệp hiện hành là thủ tục thành lập DN phức tạp, tốn kém, một số quy định làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ.
Các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc chuyển hướng kinh doanh với Luật Doanh nghiệp mới. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức lấy ý kiến về dự thảo lần thứ 5 của Luật DN sửa đổi.
“Mục tiêu cụ thể là tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI): “Hiện có quá nhiều quy định riêng theo hướng hạn chế quyền kinh doanh của DN. Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính đã phát hiện ra nhiều sự chồng chéo, lạm dụng giấy phép “con, cháu”, cản trở quyền tự do kinh doanh của DN”.
Do vậy, ông Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội cho rằng: “Quyền tự do kinh doanh chỉ bị hạn chế theo luật, không thể quy định bị cấm trong nghị định, nghị quyết. Quy định rõ như vậy để tránh trường hợp luật bị vô hiệu hóa bằng các văn bản dưới luật. Trong thời hạn chuyển tiếp 3 - 5 năm phải bãi bỏ các quy định dưới luật”.
Cùng quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Cần giảm các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN tại các luật chuyên ngành, các nghị định, văn bản hướng dẫn. Không để tình trạng, Luật doanh nghiệp thì mở rộng quyền tự do kinh doanh nhưng các luật chuyên ngành, văn bản hướng dẫn, nghị định thì lại thu hẹp lại. Gây khó khăn cho doanh nghiệp và vô hiệu hóa từng phần luật DN”, ông Lộc phân tích.
Tăng tính tự chủ trong kinh doanh
Hiện nay, DN phải đăng ký ngành nghề kinh doanh trong tương lai khi thành lập DN. Nếu muốn thay đổi, DN phải tiến hành làm thủ tục với cơ quan nhà nước. Điều này đã hạn chế sự sáng tạo và chủ động kinh doanh của DN.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM): “Nhiều DN đã kê khai quá nhiều ngành nghề kinh doanh, thậm chí danh sách này dài tới vài trang giấy khi thành lập. Nhưng thực tế, DN chỉ kinh doanh một vài ngành nghề. Hậu quả là tạo ra số liệu ảo đối với những đơn vị điều tra”.
“Mục đích của họ là để về sau không phải mất thời gian đi đăng ký lại hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh. Nhưng chính vì việc ghi quá nhiều ngành nghề kinh doanh khiến bản thân họ không kiểm soát được ngành nghề kinh doanh, cơ quan quản lý cũng không biết họ thực sự kinh doanh lĩnh vực nào”, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa phân tích.
Cùng quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: “Việc đăng ký khống, đăng ký trước nhiều ngành nghề dù không hoặc chưa kinh doanh của các DN làm cho các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc áp mã ngành nghề”,
Để khắc phục hạn chế này, “Dự thảo Luật DN (sửa đổi), khi đăng ký thành lập, DN chủ động đăng ký chính xác ngành nghề kinh doanh mà không cần phải mã hóa theo mã ngành. Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy không ghi nhận toàn bộ ngành nghề đăng ký kinh doanh của DN mà chỉ ghi nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây chính là một trong những bước đột phá của dự án Luật này, tạo thuận lợi hơn cho DN trong việc chủ động kinh doanh”, ông Phan Đức Hiếu giải thích.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh cho biết: “Trong luật mới, DN có thể chủ động tuyên bố tình trạng và tiến hành giải thể. Sau 180 ngày kể từ khi DN công bố giải thể, nếu không có vấn đề, khiếu kiện gì thì DN có thể làm đơn xin xóa tên đối với đơn vị đăng ký kinh doanh mà không gặp phải nhiều vướng mắc như hiện nay”. Hiện nay, do vướng khâu quyết toán thuế, nhiều DN mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng cũng không thể ngừng hoạt động được.
Hữu Vinh