Tổng vốn đầu tư dự kiến cho Đề án là 20.000 tỷ đồng, gồm: 3.780 tỷ đồng vốn đầu tư của Nhà nước và 16.220 tỷ đồng vốn của các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đề án tập trung khai thác các nội dung gồm: Thủy sản, lâm nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, thương mại dịch vụ.
Tỉnh Sơn La đã thông qua Đề án Khai thác tiềm năng vùng lòng hồ các thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Quang Duy/TTXVN |
Ông Bùi Minh Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo 63, nhấn mạnh: Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đưa kinh tế vùng hồ các thủy điện tiến nhanh, mạnh, vững chắc, trở thành khu vực có trình độ phát triển khá, có hệ thống cơ sở hạ tầng liên kết đồng bộ với các vùng kinh tế trong tỉnh; khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ gắn với phát huy, bảo tồn các giá trị hiện có; phát triển kinh tế cùng với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững; tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân vùng hồ.
Về hiệu quả kinh tế, Đề án hướng tới nâng thu nhập bình quân trên 1ha canh tác là 143,87 triệu đồng/ha mặt nước; sản lượng thủy sản thương phẩm đạt từ 8.000 – 10.000 tấn/năm, tương đương 360 – 500 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của người dân vùng hồ tăng lên 18 triệu đồng/năm.
Sơn La hiện có 28 công trình thủy điện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó có 3 hồ chứa lớn của các thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Nậm Chiến 1. Các hồ chứa này có đủ diện tích và điều kiện cần thiết để có thể phát triển các ngành nghề nuôi trồng thủy sản, du lịch, vận tải, cùng các loại hình thương mại, dịch vụ khác trên vùng hồ. Riêng 2 công trình thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình có diện tích 20.900ha, là tiềm năng mở đối với việc phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La nói riêng và cả nước nói chung.