Cuối tuần qua (ngày 24/8), Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 7,5% so với tháng 8/2012.
Mặt hàng thuốc và dịch vụ y tế thuộc nhóm hàng có tốc độ tăng giá mạnh nhất. |
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, CPI tháng này bất ngờ tăng trên mức dự đoán của Bộ Công Thương. Cụ thể, theo Bộ Công Thương, CPI tháng 8 chỉ tăng ở mức 0,3 - 0,5% so với tháng 7/2013.
Trước đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng chỉ dự báo CPI tháng 8/2013 chỉ tăng ở mức 0,54%. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) cho biết: CPI tháng này tăng khá cao là do chịu tác động của một số yếu tố như: giá xăng dầu tăng, thời tiết mưa bão và điều chỉnh giá dịch vụ y tế ở một số địa phương. Cụ thể: Trong 11 nhóm hàng hóa tính CPI của tháng 8/2013 có tới 10 nhóm tăng giá, trong đó mặt hàng thuốc và dịch vụ y tế là nhóm hàng có tốc độ tăng mạnh nhất. Chỉ riêng trong tháng 8/2013, giá nhóm hàng này đã tăng tới 4,11% so với tháng 7/2013, trong đó nhóm dịch vụ y tế tăng 5,09%. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2013, giá nhóm hàng thuốc đã tăng tới 57,98%; còn giá nhóm hàng dịch vụ y tế tăng tới 82,07% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng tăng giá mạnh thứ 2 trong rổ hàng hóa tính CPI là nhóm hàng giáo dục. Không ít người lo ngại, đây sẽ là nhóm hàng sẽ tiếp tục tăng trong tháng 9/2013, là mùa khai trường cùng vấn đề tăng học phí đầu năm học. Đây sẽ là nguyên nhân đẩy CPI tăng mạnh trong tháng tiếp theo. Nhóm hàng giao thông chiếm vị trí thứ 3, góp phần đẩy CPI tăng mạnh trong tháng 8 với mức tăng giá của nhóm hàng này lên tới 1,11% do ảnh hưởng của việc giá xăng tăng từ ngày 17/7; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88% khi giá gas, điện cùng tăng trong tháng này
Theo TCTK, do Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là hai địa phương có mức tính CPI cao hơn so với các tỉnh, thành khác nên mức tăng CPI của hai thành phố vừa qua đã tác động khá lớn đến CPI chung của cả nước.
Chia sẻ với phóng viên Tin Tức, một số chuyên gia kinh tế phân tích: Giá dịch vụ y tế bắt đầu tăng tại một số địa phương là nguyên nhân khiến CPI cả nước tháng 8 tăng 0,83%, mức tăng cao nhất kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lo ngại: “Với tốc độ tăng như hiện nay thì mục tiêu CPI năm nay tăng ở mức 6,3 - 6,5% chắc chắn là không thực hiện được, mà phải ở mức tăng 7,5 - 8%. Có lẽ chúng ta cần phải nhìn lại về quá trình điều hành. Thời gian qua, mặc dù một số ngành đã chọn thời điểm đẹp để tăng giá xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục nhưng sự tăng dồn dập lại biến cơ hội kiểm soát lạm phát ở mức an toàn trở thành thách thức”.
Còn chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cho hay, mặc dù tổng cầu yếu, sức mua chậm và tiên lượng là CPI tháng này không tăng nhiều nhưng thực tế lại có những nhóm hàng tăng giá mạnh như dịch vụ khám bệnh, giáo dục. Nếu loại trừ nhóm dịch vụ y tế thì CPI tháng 8/2013 chỉ tăng ở mức 0,59%. “Việc nới lỏng chính sách kích cầu như triển khai gói tín dụng cho vay ưu đãi mua nhà trị giá 30.000 tỷ đồng; điều chỉnh tỷ giá... cũng góp phần gây áp lực lên CPI”, ông Phương nhận định.
“CPI cả năm dự kiến sẽ tăng ở mức 7,5 - 8%, cao hơn nhiều so với mục tiêu. Tuy nhiên, đây là mức chấp nhận được bởi nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn. Chỉ có điều, người dân gửi tiền tiết kiệm sẽ bị thiệt so với tốc độ tăng trưởng của lạm phát”, ông Phong băn khoăn.
Trong khi đó, theo kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát do NHNN thực hiện vào đầu tháng 8/2013 đối với các TCTD cho thấy, đa số các TCTD đều cho rằng, CPI tháng 8 có thể tăng 7,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tuy nhiên thực tế đã tăng 7,5% so với tháng 8/2012). Các TCTD cũng e ngại, mục tiêu lạm phát của Chính phủ đặt ra cho cả năm 2013 là 6,5% cũng là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bộ, ngành.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đề ra, các bộ, ngành địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường; làm tốt công tác dự báo để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá thị trường. Đại diện Cục Quản lý giá cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo lộ trình, thời gian, mức độ tăng học phí, giá dịch vụ khám, chữa bệnh (nếu có), đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến tốc độ tăng CPI năm 2013.
Minh Phương