Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Ngày 10/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Chương trình hành động được xây dựng trên cơ sở rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung, nhiệm vụ mới nhằm tiếp tục thực hiện các mục tiêu: Tiếp tục thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa X trong bối cảnh nước ta đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, trong đó trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hội nhập quốc tế toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế, thực hiện hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình tái cấu trúc và đổi mới mô hình tăng trưởng, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Ảnh minh họa. Thế Duyệt/TTXVN


Để đạt được mục tiêu nêu trên, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ cơ bản: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; kiên quyết loại bỏ những văn bản, quy định chồng chéo, không còn phù hợp; ban hành những văn bản mới rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế. Xây dựng và hoàn thiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án về hội nhập kinh tế quốc tế từ nay đến năm 2020.

Tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ song phương và khu vực. Tiến hành nghiên cứu, tiến tới đàm phán các hiệp định thương mại mới, phù hợp với lợi ích và nhu cầu phát triển kinh tế của Việt Nam. Hoàn thiện tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý cạnh tranh, chống trợ cấp, chống bán phá giá, cơ quan đầu mối về giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành. Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực, ngành nghề cụ thể trên các trang thông tin của các bộ, ngành chủ quản và cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; công bố công khai, minh bạch mọi chính sách, cơ chế quản lý, quy trình tác nghiệp, người chịu trách nhiệm và thời hạn giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công để các doanh nghiệp và người dân biết; giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp sản phẩm: Triển khai hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và quản lý nợ công. Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu có chiều sâu, hiệu quả và bền vững; thực hiện tốt công tác cảnh báo sớm về các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời tận dụng tốt các quy định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam trong thương mại quốc tế. Chú trọng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm ưu tiên của quốc gia và của vùng.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.


TTXVN/Tin tức
Cơ hội Việt Nam phát triển hơn
Cơ hội Việt Nam phát triển hơn

Giáo sư, Tiến sĩ Zachary Abuza, là chuyên gia phân tích chính trị và an ninh khu vực Đông Nam Á (ông đã nhận bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ tại trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Mỹ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN