Cần mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiệu quả

Ngày 17/9, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức hội thảo về mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, rất nhiều mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân trong tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, cần lựa chọn một mô hình thống nhất mang tính bền vững để áp dụng trên diện rộng trong thời gian tới.


Ba mô hình nổi bật


Theo ông Trương Thanh Phong, hiện có ba mô hình liên kết sản xuất lúa gạo nổi bật. Đó là mô hình doanh nghiệp đầu tư 100% giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; mô hình doanh nghiệp chỉ cung cấp giống (và liên kết với các công ty khác để cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cũng như hỗ trợ kĩ thuật... cho người dân) và bao tiêu sản phẩm; mô hình doanh nghiệp đặt hàng cho tổ, đội hoặc hợp tác xã sản xuất (giống gì, vào vụ nào...) rồi kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.


Theo đánh giá, hầu hết những mô hình này đều mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, theo ông Phong, mỗi mô hình đều có ưu và khuyết riêng nên cần có thời gian để áp dụng, đánh giá hiệu quả. “Mô hình đầu tiên hiện không thể mở rộng được do quá sức doanh nghiệp và ít có doanh nghiệp nào đủ kinh phí để thực hiện. Trong khi đó, mô hình thứ 3 được xem là mô hình có tiềm năng và rất khả thi. Bởi nó vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp mà doanh nghiệp sẽ được đáp ứng đúng yêu cầu, ổn định nguồn nguyên liệu”, ông Phong nhận định.


Cũng theo ông Phong, cái khó hiện nay đối với nông dân trong việc liên kết sản xuất lúa gạo là diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, khó tập hợp và vận động nông dân hợp tác. Bên cạnh đó, 93% nông dân bán lúa tươi ngoài đồng gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp thu mua; nông dân cũng chưa thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật sản xuất, chưa “khoái” dùng thuốc bảo vệ thực vật của doanh nghiệp đưa xuống mà đi mua ngoài đại lý cấp 3, 4; đồng thời nông dân dễ “bẻ kèo” khi đến thời điểm thu hoạch mà giá thị trường thu mua cao hơn so với giá doanh nghiệp.


Doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu


PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho rằng nông dân Việt Nam là nông dân nhỏ (quy mô sản xuất khoảng 0,5 ha/hộ chiếm đến 45 - 50% ở ĐBSCL); chất lượng hạt lúa, gạo hoàn toàn không kiểm soát được; chuỗi giá trị hoàn toàn không có nên không xây dựng được thương hiệu và thu nhập của nông dân ngày càng thấp đi. Chính vì thế, việc đẩy mạnh liên kết để xây dựng cánh đồng mẫu lớn là rất cấp thiết.

Theo ông Bùi Ngọc Sương, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, việc triển khai liên kết bước đầu mang lại hiệu quả, phù hợp chủ trương và điều kiện sản xuất thực tiễn mới hiện nay. Mỗi địa phương thực hiện mô hình khác nhau nhưng chung quy tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Hiện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã có đề án liên kết vùng giai đoạn 2013 - 2020, phạm vi liên kết là giữa các tỉnh ĐBSCL và giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ. Theo đó, trước mắt tập trung 3 việc: liên kết cơ sở hạ tầng, thủy lợi giữa các vùng; liên kết tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, trái cây vùng ĐBSCL, liên kết bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.


Theo ông Dư, doanh nghiệp tại mỗi địa phương nên xây dựng, hình thành cho mình vùng nguyên liệu, từ đó mới ổn định được nguồn lúa hàng hoá, tránh việc tranh mua tranh bán như hiện nay. Muốn làm được như thế thì không cách nào khác là phải liên kết với nông dân. “Công ty cần cung cấp lúa giống cho nông dân sản xuất, bởi muốn xây dựng thương hiệu thì phải kiểm soát được giống. Muốn có giống tốt, thuần chủng thì phải đặt hàng ở Viện Lúa. Các doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư, nếu có khó khăn gì thì Sở NN&PTNT và Cục Trồng trọt sẽ hỗ trợ tối đa”, ông Dư khẳng định.


Cũng theo ông Dư, với 1,9 triệu ha sản xuất lúa hiện nay, theo định hướng của Bộ NN&PTNT, sắp tới cần phải đưa 1 triệu ha vào sản xuất theo hướng liên kết. “Chúng ta có hơn 100 doanh nghiệp trong hệ thống xuất khẩu gạo, nếu mỗi doanh nghiệp thực hiện liên kết từ 8.000 - 10.000 ha thì chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu”.


Trong khi đó, theo ông Trương Thanh Phong, VFA đã thống nhất trong các hội viên mô hình triển khai trong vụ đông xuân 2013 - 2014 tới. Đó là mô hình doanh nghiệp kí hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa với đại diện nông dân qua các hợp tác xã hoặc tổ đội sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu sản xuất cho các tổ đội, hợp tác xã và kí hợp đồng tiêu thụ lúa với người dân. “Nếu nông dân không có giống thì mình phải liên kết doanh nghiệp khác để cấp giống, liên kết doanh nghiệp khác để cấp thuốc, phân bón; đồng thời phải phối hợp với ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT, phòng nông nghiệp để hỗ trợ vốn, chuyên môn, kỹ thuật”, ông Phong nói. Bên cạnh đó, theo ông Phong, doanh nghiệp nào hiện đang có mô hình tốt thì vẫn tiếp tục triển khai, còn doanh nghiệp chưa có thì cố gắng triển khai ít nhất một hoặc hai mô hình với diện tích tối thiểu cũng 200 ha. “Qua vụ đông xuân này, chúng ta sẽ nghiên cứu, thẩm tra các mô hình để tiến tới xây dựng mô hình theo hướng ăn chắc, bền vững ở các địa phương”, ông Phong cho biết.


Bài và ảnh:M.Thuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN