Sau đợt tăng giá hồi tháng 8, nhiều nhà trọ ở khu vực đường Láng, Trung Tự... (Hà Nội) lại tăng trung bình 200.000 đồng mỗi tháng. Ngoài 'dựa hơi' lạm phát chủ nhà còn đưa ra những lý do bất khả kháng như sửa nhà, thay bồn nước.
Từ đầu tháng, chị Nguyễn Thu Hương (một khách thuê phòng trọ tại đường Láng) cho hay, chủ nhà công bố sẽ tăng giá phòng lên 200.000 đồng mỗi tháng. Như vậy, căn hộ rộng chưa đầy 20 m2 lên tới 2 triệu đồng mỗi tháng. Chị Hương nhẩm tính, nhà trọ gồm 8 phòng, mỗi phòng tăng thêm 200.000 đồng, chủ nhà trọ sẽ bỏ túi thêm 1,6 triệu đồng.
"Nếu tính cả tiền điện và nước thì mỗi tháng giá tiền thuê sẽ lên tới khoảng 3 triệu đồng, bằng một nửa mức lương tôi đang có", chị Hương chia sẻ.
|
Trong cơn bão giá, chủ nhà có 1.001 lý do tăng giá nhà trọ. Ảnh: Hoàng Lan |
Không chỉ riêng đường Láng, nhiều khu vực quanh trường Đại học Y, Sư Phạm, Bách Khoa... giá nhà trọ cũng đã bắt đầu tăng từ đầu tháng. Tùy địa điểm cũng như chất lượng tòa nhà mà mỗi khu vực có và mức tăng khác nhau. Nhà riêng, tiện nghi đầy đủ, có bình nóng lặnh, internet thì mức tăng mạnh, lên tới 250.000-300.000 đồng mỗi tháng. Trường hợp nhà dãy, chung khu vệ sinh thì mức tăng "nhẹ nhàng hơn", khoảng 100.000- 200.000 đồng.
Trong cơn bão giá, chủ thuê có 1.001 lý do tăng giá nhà trọ. Sau đợt điều chỉnh giá điện và xăng dầu từ 1/3, nhà trọ đã rậm rịch lên giá vì lý do "điện xăng tăng thì phòng trọ cũng phải tăng". Và đến nay, dù điện xăng không tăng thì giá nhà trọ vẫn không ngừng leo thang.
Đối với các hợp đồng đã ký từ 6 tháng đến một năm, chủ nhà không thể tăng giá phòng nên tìm cách "lách" thông qua các dịch vụ gửi xe, tiền điện, nước. Trung bình, tiền điện tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng mỗi kWh, nước cũng lên 2.000 đồng mỗi m3 và phí gửi xe cũng tăng khoảng 30.000 đồng mỗi tháng. Như vậy, dù tiền nhà không tăng thì tiền điện, nước, phí gửi xe lên giá cũng đủ khách thuê đau đầu.
Chị Thanh Huyền (sinh viên một trường đại học khối ngoại ngữ) cho hay, chủ nhà ít khi cùng lúc tăng cả tiền nhà, tiền điện nước mà thường tách ra để tăng dần. Những trường hợp thu nhập khá, khách thuê sẵn sàng lắc đầu bỏ qua nhưng đối với học sinh sinh, viên thì mức tăng giá trên khiến không ít người phải "chau mày". "Điều lạ là khi điện xăng tăng thì giá mọi thứ tăng theo nhưng khi xăng giảm giá thì tôi chưa thấy nhà trọ nào giảm", chị Huyền nói.
Do nhu cầu nhà trọ luôn có sẵn, khách trọ phải đỏ mắt tìm nơi ở nên chủ nhà luôn nắm đằng chuôi. Thậm chí khách thuê muốn ký dài hạn cũng khó khăn, không ít trường hợp chủ nhà chỉ cho thỏa thuận 2 tháng một để họ có thể tăng giá bất cứ lúc nào. Nguyễn Ngọc (nhân viên một công ty truyền thông trọ tại phố Phương Liệt) cho hay, chủ nhà trọ thường dựa trên tâm lý ngại chuyển chỗ của người đi thuê kèm tư duy đơn giản: lạm phát, giá tăng nên tiền nhà phải tăng là hiển nhiên, không bàn cãi. "Mà đã tăng thì không bao giờ giảm giá, vì một lẽ đơn giản, khách thuê cần phòng trọ hơn chủ nhà cần khách thuê", chị Ngọc cho hay.
Chị Ngọc cho biết, lý do tăng giá còn được chủ nhà căn cứ vào những nguyên nhân "bất khả kháng". Cách đây hơn một tuần, dãy trọ nhà chị bị dột, mái tường bị ẩm, chủ nhà trọ sau đợt sửa chữa đã bất ngờ đưa ra thông điệp, mỗi phòng trọ tăng thêm 200.000 đồng. Đó là chưa kể phí tăng do cải tiền cải tạo bể nước và sửa nhà vệ sinh, mỗi phòng tăng thêm 50.000 đồng. Trong khi đó, đáng lý ra, phòng trọ trục trặc, với tư cách chủ nhà, họ phải chịu trách nhiệm sửa chữa chứ không được tính cho người thuê.
Những chủ nhà trọ lại đưa ra cách lý giải riêng. Ông Trần Văn Thành, một chủ nhà trọ tại khu vực Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân chia sẻ, trong cơn bão giá, chủ nhà không thể không tăng. Thêm vào đó, từ 1/10 đến hết ngày 31/12, lương tối thiểu không phân biệt loại hình doanh nghiệp sẽ lên mức cao nhất là 2 triệu đồng, thay vì 1,35 triệu đồng như cũ. "Nói là tăng giá song chủ nhà vẫn phải tự sửa sang, cải tạo và đóng thuế môn bài hằng tháng nên tính ra lời lãi cũng không đáng là bao", ông Thành chia sẻ.
Theo vnexpress