Tự chủ để làm khoa học hiệu quả

Dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế cho Nghị định 115, quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức Khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập dự kiến sẽ ban hành trong năm nay là nhằm hỗ trợ các tổ chức KHCN công lập có thể đứng vững khi chuyển sang tự chủ. Ngoài các chính sách khuyến khích, ưu đãi, dự thảo cũng được ra nhiều biện pháp, chế tài đối với các đơn vị, địa phương chậm chuyển đổi.

“Ì ạch” chuyển đổi

Sau hơn 10 năm thực hiện chuyển đổi sang cơ chế doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từ một đơn vị với vốn điều lệ ban đầu chỉ 13 tỉ đồng, gặp nhiều khó khăn về vốn, cơ sở vật chất lạc hậu, nguồn nhân lực thiếu và yếu, chưa có sản phẩm khoa học công nghệ riêng… Đến nay, công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) đã trở thành một doanh nghiệp mạnh với doanh thu tới hơn 700 tỷ đồng/năm. Theo bà Trần Kim Liên, Chủ tịch hội đồng quản trị Vinaseed: Khi chuyển sang cơ chế tự chủ, Vinaseed đã mạnh dạn thế chấp kho hạt giống để vay vốn ngân hàng, đầu tư vào KHCN để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Đến nay, sản phẩm của công ty đã chiếm 14% thị trường. Mỗi năm doanh nghiệp dành khoảng 5% doanh thu để nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư phát triển nhân lực; nên đã thu hút được nhiều chuyên gia đầu ngành, đồng thời mở rộng thị trường, liên kết được với nhiều viện nghiên cứu tại các nước có nền nông nghiệp phát triển.

Nhờ tự chủ, nhiều tổ chức có điều kiện để đầu tư phát triển. Ảnh: vietq.vn

Cũng nhờ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) ngoài việc thực hiện các đề tài các cấp theo phân công, đặt hàng, đã có thêm nhiều doanh thu từ các hợp đồng kinh doanh. Đại diện lãnh đạo Viện cho biết, trong năm 2015, đơn vị này đã ký kết được 336 hợp đồng, với tổng kinh phí thực hiện lên tới hơn 65 tỷ đồng.

Không chỉ Vinaseed, Viện Công nghệ môi trường; nhiều doanh nghiệp, đơn vị KHCN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 đã tự “giải phóng” và sử dụng các nguồn vốn một cách hiệu quả, xây dựng được thương hiệu và tự tạo nguồn thu cho mình.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KH&CN, đã có nhiều tổ chức chuyển sang cơ chế tự chủ rất thành công, nhưng số lượng này chưa nhiều, phần lớn vẫn ì ạch, chậm chuyển đổi, hoặc không đạt được nhiều kết quả sau chuyển đổi, vẫn phụ thuộc vào ngân sách.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, là do nhiều bộ, ngành, đơn vị chưa hiểu đúng về cơ chế tự chủ và thực hiện chưa nghiêm túc. Tâm lý lo ngại chuyển sang cơ chế tự chủ sẽ bị cắt ngân sách khiến nhiều lãnh đạo đơn vị không mạnh dạn thực hiện. Tuy nhiên, thực tế ngân sách Nhà nước vẫn sẽ được giao theo cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ, đề tài dự án, sản phẩm thay vì giao theo biên chế để tăng hiệu quả nguồn chi ngân sách.

Nhiều đơn vị cũng cho biết, trong thực tế triển khai tự chủ cũng còn nhiều vướng mắc, bất hợp lý giữa các quy định, khiến họ chưa thể bứt phá được. “Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn về định mức cấp tiền lương, tiền công… trong thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước cũng như hướng dẫn tổ chức KHCN công lập về hình thức góp vốn, giá trị quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn, bổ sung, cắt giảm nhân lực... Nhiều đơn vị đã phải “loay hoay” hoặc đã phải thất bại trong việc tự tạo kinh phí để hoạt động. Có đơn vị đã mạnh dạn thế chấp tài sản để vay tiền thực hiện dự án, tuy nhiên lại bị từ chối cho vay vì đơn vị chỉ được xếp hạng tín nhiệm trung bình khá, nên nằm trong đối tượng bị hạn chế cho vay”, một chuyên gia cho biết.

Sẽ cắt ngân sách nếu không chuyển đổi

Để đẩy mạnh cơ chế tự chủ, Bộ KH&CN đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định 115 trước đây.

Ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN cho biết: Trong dự thảo Nghị định mới có rất nhiều điểm đã khắc phục được hạn chế của Nghị định 115 như: Phân loại rõ các tổ chức KHCN thành 4 loại cụ thể, dựa vào mức phụ thuộc ngân sách để áp dụng các quy định hợp lý; nêu rõ các nội dung tự chủ như: Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính, tài sản...; bên cạnh đó, cũng quy định cụ thể về trình tự giao quyền tự chủ cho tổ chức KHCN công lập…

Ngoài ra, theo Dự thảo Nghị định: Các tổ chức KHCN công lập chuyển sang cơ chế tự chủ sẽ được hưởng các ưu đãi như: Được hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng ; được vay vốn từ các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, quỹ đổi mới công nghệ và các quỹ khác, được huy động vốn của cán bộ, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, với các tổ chức KHCN công lập mới thành lập theo cơ chế tự chủ sẽ được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Để việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ thành công, phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu các tổ chức KHCN. Không chỉ nghiêm túc triển khai chuyển đổi, trong vai trò là người lãnh đạo, họ phải thật sự tự chủ trong việc xác định, thực hiện nhiệm vụ, tổ chức tài chính và bộ máy hoạt động. Để có thể tự chủ thành công, bên cạnh những nhiệm vụ được nhà nước giao, các tổ chức phải chủ động đề xuất các nhiệm vụ, tham gia đấu thầu, nhận đặt hàng các dịch vụ KHCN để có thêm nguồn thu, đảm bảo cho hoạt động của đơn vị của mình.

Cũng theo ông Hiến, dự thảo Nghị định mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng cho các tổ chức KHCN ổn định và tiến tới tự chủ hoàn toàn. Tuy nhiên, Bộ KH&CN cũng yêu cầu thời gian tới các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc trong việc thực hiện tự chủ. Với những tổ chức KHCN chậm trễ chuyển đổi sẽ không được gia hạn thêm thời gian nữa. Bộ KH&CN cũng sẽ có chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành Nghị định 115 và sẽ tiến hành sáp nhập, giải thể những tổ chức đã chuyển đổi nhưng làm đối phó, hoạt động không hiệu quả.

Để đẩy mạnh thực hiện tự chủ, Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đã phối hợp xây dựng hệ thống chính sách, chế độ tài chính thực hiện đồng bộ, trong đó yêu cầu các tổ chức KHCN nếu chậm chuyển đổi sẽ “thẳng tay” cắt nguồn ngân sách chi hàng năm.

TN
Khoán chi để thúc đẩy nghiên cứu khoa học
Khoán chi để thúc đẩy nghiên cứu khoa học

Nhằm giảm bớt “gánh nặng” về thủ tục giấy tờ, quyết toán kinh phí, “giải phóng” cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa ban hành Thông tư 27 quy định về các hình thức khoán chi sản phẩm khoa học, điều mà các nhà khoa học luôn trông đợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN